Nhân đọc truyện ngắn “Diệu Ly” của Hữu Phương: Cảnh báo về sự “im lặng đáng sợ”!

Những hạn chế của truyện đã được “mổ xẻ” trên Báo CCB Việt Nam trong các số báo gần đây, mà mở đầu là bài “Chân - Thiện - Mỹ ở đâu?” của tác giả Duy Tường - số 1205 + 1206 (thứ 5, ngày 7-12-2017). Đúng như tác giả nhấn mạnh: “Chỉ những người không biết, hoặc cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật mới viết như thế! Liệu mai đây, khi các nhân chứng lịch sử không còn, ai là người thanh minh cho thế hệ sau, khi họ đọc “Diệu Ly”, rồi nghĩ về “bên thắng trận” như vậy…?”.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tôi là chiến sĩ thông tin Đại đội 11, Tiểu đoàn 2 Thông tin Cơ động, thuộc BTL Thông tin liên lạc. Đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm trực tiếp thông tin liên lạc hữu tuyến điện cho Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, nên tôi may mắn được chứng kiến ngay những giờ đầu Sài Gòn giải phóng ngày 30-4, đến tận cuối năm 1976 mới ra Hà Nội. Sau này, do công việc làm báo tôi cũng được nhiều lần theo các cánh quân của ta đi làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia. Một lần nữa tôi xin khẳng định đời sống của đồng bào miền Nam và các đơn vị Quân đội ngày mới giải phóng tuyệt nhiên không khó khăn, thiếu thốn, “hỗn quân, hỗn quan” như mô tả trong truyện ngắn “Diệu Ly”.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi con nhớ như in những kỷ niệm của ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều những câu chuyện cảm động về tình quân dân cá nước mà tôi được chứng kiến. Tuy nhiên, do khuôn khổ, yêu cầu bài báo có hạn, tôi chỉ nói bữa ăn hằng ngày của lính chúng tôi lúc bấy giờ so với những ngày còn ở trong rừng thì thật là “một trời, một vực”. Kể cả ở ngoài miền Bắc, ăn “tiểu táo” trước khi “đi B” (vào Nam chiến đấu), chúng tôi cũng chưa bao giờ có được những bữa ăn đầy đủ như thế.
Ấn tượng nhất là nồi cơm trắng muốt, thơm và dẻo. Lính chúng tôi trong rừng ra đói, ăn rất khỏe, nhưng hầu như không có bữa nào hết cơm. Thậm chí chỉ huy đơn vị phải đề nghị lên cấp trên giảm bớt khẩu phần gạo để đỡ thừa, lãng phí. Vì ngày đó đóng quân trong thành phố, các đơn vị không nuôi gia súc, nên cơm thừa hầu như phải bỏ đi.
Tối đến, chúng tôi đi bảo vệ đường dây đến tận sáng. Mặc dù đường dây hữu tuyến rải gấp, địa hình khá trống trải, nhiều đôi dây phải đi tắt qua nhà dân; “ta - địch” còn đan xen, nhưng nhờ được sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân nên dây hầu như không bị cắt phá, không bị nghe trộm, bảo đảm bí mật, an toan tuyệt đối. Khai thác hệ thống thông tin tải ba chiến lợi phẩm của địch trong Bộ Tổng tham mưu ngụy lúc đó chủ yếu vẫn là những kỹ sư thông tin của chế độ cũ hướng dẫn cho bộ đội ta tiếp quản.
Còn đời sống của nhân dân thì cũng rất đầy đủ, thậm chí mua, bán cởi mở hơn, thân thiện hơn, nhiều hàng hóa hơn trong chiến tranh. Ngoài chợ bạt ngàn hàng hóa, muốn mua gì cũng có. Cánh “lính quèn, phụ cấp 5 đồng” chúng tôi mà cậu nào cũng mua ra-đi-ô; tay đeo đồng hồ Nhật…
Một sự thật như thế mà trong truyện ngắn “Diệu Ly” tác giả dựng nên chân dung anh bộ đội quân Giải phóng - một thương binh ươn hèn, nhẫn tâm; tình cảnh một đơn vị Quân đội rã đám và một Sài Gòn sau ngày giải phóng 30-4 rất méo mó - tỏ rõ người viết thiếu thực tế cũng như “ngu ngơ” về kiến thức quân sự, nên hư cấu một cách bịa đặt.
Hầu hết thế hệ trước, nhất là những người lính có mặt ở miền Nam như chúng tôi trong những ngày mới giải phóng 30-4-1975, đọc hoặc chỉ nghe kể về truyện ngắn “Diệu Ly” cũng đều tỏ thái độ bất bình. Nhưng không hiểu sao tờ báo lớn của Hội Nhà văn xuất bản khá lâu, chắc chắn nhiều người trong và ngoài làng Văn đã đọc truyện ngắn này, nhưng hầu như không có ai lên tiếng; giới truyền thông, mạng xã hội, kể cả các “anh hùng bàn phím” cũng không quan tâm…
Khác hẳn với những vấn đề “nóng” khác, thường ngay lập tức được đưa lên công luận với mật độ dày đặc. Thậm chí có những chuyện, người đưa tin còn nhào nặn làm nóng vấn đề hơn lên trong thực tế, thậm chí đưa tin sai do “nhanh nhảu đoảng”.
Lẽ nào đời sống văn học nước nhà, nay trở nên ảm đạm đến mức viết hay, hay viết dở, thậm chí sai lạc cũng không ai quan tâm nữa? Hay những người làm phê bình văn học không còn muốn phê bình thật nữa?
Một sự im lặng đáng sợ!
Huy Thiêm