Để mất Quảng Trị, ngày 28-6-1972, quân địch tổ chức Cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72”, mục tiêu số 1 là Thành Cổ Quảng Trị. Tiến hành cuộc hành quân “tái chiến” này, quân địch đưa ra thời gian trong “2 tuần” chiếm bằng được Thành Cổ, nhằm thực hiện lệnh của Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam Công Hòa (VNCH) là, trước ngày 13-7 phải cắm lá cờ VNCH lên nóc dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị trong Thành Cổ để làm cơ sở cho phái đoàn Mỹ quay lại bàn đàm phán Hội nghị Paris vào ngày 17-7-1972. Nhưng việc cắm cờ bị thất bại, nên quân địch nghĩ ra cách cho quân lính “đắp bờ thành giả” tại thôn Trâm Lý (cách Thành Cổ 2km về phía Nam) để cắm cờ và quay phim, chụp ảnh. Việc làm “phi thực tế” này đã bị Bộ đội Trung đoàn 48 Thạch Hãn (Sư đoàn 320B) phát hiện, tấn công đập tan mưu đồ làm “chiến thắng giả” của quân địch.
Thất bại vì không cắm được cờ lên nóc dinh Tỉnh trưởng trong Thành Cổ, từ ngày 13-7 quân địch huy động máy bay, bom đạn, phi pháo đánh phá không hạn chế, nhằm huy diệt Thành Cổ. Biến Thành Cổ nhỏ bé này thành “túi bom khủng” với 328.000 tấn bom đạn trút xuống đây. Mật độ dày đặc của bom đạn đã đào bới từng mét vuông đất trong Thành Cổ đến hàng trăm lần, bờ tường Thành Cổ đều bị sụp đổ, khó còn viên gạch nào nguyên vẹn. Tác động đó của bom đạn làm cho đa số bộ đội ta hy sinh vì mảnh bom đạn và sức ép. Quần áo mặc trên người của chiến sĩ khó còn bộ nào lành nguyên, bị rách bươn do mảnh bom đạn, bờ tường, dây thép gai cào rách và dính bê bết bùn đất, máu của mình bị thương, máu cứu thương đồng đội. Ác liệt đó của chiến trường vẫn không thể khuất phục được ý chí chiến đấu “Còn người còn trận địa” của bộ đội ta trong các Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325); Trung đoàn 48 Thạch Hãn (Sư đoàn 320B); 2 Tiểu đoàn Bộ đội địa phương Quảng Trị cùng với các đơn vị phối hợp chiến đấu trong và vòng ngoài của Thành Cổ.
Cuộc hành quân “Lam Sơn 72” của quân địch bị thất bại tại Thành Cổ Quảng Trị, là một giải pháp có lợi cho ta tại bàn đàm phán của Hội nghị Paris khi đã được định đoạt, thì nhiệm vụ giữ Thành Cổ không còn ý nghĩa nữa. Hơn nữa, tháng 9-1972 Quảng Trị vào mùa mưa, nước trên thượng nguồn đổ về làm cho dòng sông Thạch Hãn dâng cao như muốn nhấn chìm cả Thị xã – Thành Cổ trong biển nước. Thực tế này, khoảng 3 giờ ngày 16-9-1972, các đơn vị chiến đấu trong và ngoài Thành Cổ nhận được lệnh của chỉ huy rút quân về Bắc sông Thạch Hãn để bảo toàn lực lượng.
Sau khi rời Thành Cổ, quân ta vẫn giữ vững 2 tuyến điểm quan trọng tại: Tích Tường, Như Lệ, Phước Môn, (phía Tây) và Bích La, An Lộng, Chợ Sải, Nại Cựu ở (phía Đông) Thành Cổ Quảng Trị. Từ vị thế chiến trường như vậy, Chỉ huy Sư đoàn 325 phán đoán quân địch có thể đổ bộ tái chiếm và nơi tiến quân không đâu khác là đoạn sông Thạch Hãn, thôn Nham Biều, (đối diện với Thành Cổ Quảng Trị). Tại đây tuyến điểm này, Trung đoàn 18 được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng phòng ngự (đoạn từ cầu đường sắt, quốc lộ 1 đến giáp ranh giữa thôn Nham Biều và thôn Xuân An, xã Triệu Thượng, Bắc sông Thạch Hãn). Sau khi nhận được tin từ các lực lượng trinh sát mặt đất và trinh sát kỷ thuật, ngày 1-11-1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 điện báo cho Ban Chỉ huy Sư đoàn 325 biết: Quân địch có ý định vượt sông Thạch Hãn tấn công qua thôn Nham Biều làm bàn đạp đánh chiếm căn cứ Ái Tử... Theo đó, các Đại đội 5 và 7 đang chốt giữ đầu cầu đường sắt, quốc lộ 1 là tuyến điểm trực diện khẩn trương lập tuyến phòng ngự, cùng với các lực lượng của trung đoàn chờ lệnh nổ súng chiến đấu.
Ngày 2-11-1972, lợi dụng đêm mưa, trời tối và rét, quân địch bí mật cho quân vượt sông chiếm bãi cát Bắc sông Thạch Hãn mở đầu cuộc hành quân tái chiếm mang tên “Sóng thần 9”. Cùng lúc đó, pháo kích địch bắn đến cấp tập, máy bay phản lực và B52 ập đến đánh bom vào đội hình phòng ngự chiến đấu Tiểu đoàn 8 và 9 của ta tại khu vực thôn Nham Biều và Ái Tử. Bộ đội ta tổ chức phòng ngự, chiến đấu tiêu diệt bộ binh địch đã vượt sang Bắc sông, cùng với các loại hỏa lực súng 12,7ly, pháo cối 60, 82, 160ly và BM14 bắn trúng đội hình địch khi chúng đang tập kết bờ Nam sông Thạch Hãn, khiến bọn chúng không thể vượt sông tiếp ứng cho 2 Đại đội thủy quân lục chiến đã vượt sang sông Thạch Hãn. Sau hơn 30 phút giao chiến, quân địch bị thương vong nhiều phải lui về bãi cát mép sông Thạch Hãn cũng cố lực lương và gọi viện binh giải cứu. Nhưng, rạng sáng ngày 3-11, khi quân địch chưa kịp tiếp viện giải cứu, những tên địch trú ẩn nơi mép bờ sông trở thành mục tiêu lộ cho các xạ thủ bắn tỉa, đồng thời bộ đội ta đồng loạt xung phong tiến công tiêu diệt nốt số còn lại của 2 Đại đội và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 6 Thủy quân lục chiến được coi “thiện chiến nhất” của Quân lực VNCH.
Chiến thắng ngày 3-11-1972 tại bờ Bắc sông Thạch Hãn, địa phận thôn Nham Biều 1,2,3 xã Triệu Thượng, của Trung đoàn 18, (Sư đoàn 325) đã bẻ gãy, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân “Sóng thần 9” của địch, để rồi từ đây về sau không còn nghe đến các “Cụm từ” tái chiếm vùng đất đã mất hay tái chiến Quảng Trị của quân địch nữa.
Nguyễn Nhân Mùi