“Nhạc trưởng” - Nguyễn Thị Mai

Như bao bạn bè cùng trang lứa, năm 1967 chị Mai nhập ngũ, về đơn vị J17 Đặc công cơ giới, rồi bổ sung về Đặc công Sài Gòn-Gia Định… Sau 11 năm công tác trong quân đội, năm 1978, chị chuyển ngành về Sở Thương nghiệp Hà Nội. Vượt qua bao vất vả do vừa nuôi dạy ba con thơ, vừa công tác chu toàn lại vừa đi học thêm, chỉ mấy năm sau, chị đã tốt nghiệp Trường đại học kinh tế quốc dân và sau đó là các Trường đại học Luật, đại học Quản trị kinh doanh…
Bước ngoặt lớn với chị là năm 1991, với hai chỉ vàng trong tay, được sự giúp sức của hai bên gia đình và bạn bè, chị lập Công ty TNHH Nhuận Mai chuyên kinh doanh du lịch và thương mại. Năm 2004, với nguồn vốn tích cóp được, chị lập thêm nhà máy sản xuất hàng điện tử…
Miệng nói tay làm, lại có duyên làm ăn, nên việc gì chị làm cũng thành công. Ai cũng bảo chị may mắn, nhưng tôi hiểu, thương trường là chiến trường, chị phải đương đầu với bao gian khó và thử thách để lo chèo lái mọi việc, lo công ăn việc làm và đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Đảm "việc nước", nhưng chị cũng luôn "tròn vai" việc nhà. Chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, nằm liệt giường 11 năm liền. Chị vừa lo phục vụ, chạy chữa cho chồng, vừa cắt đặt, bảo ban ba con học hành, tất cả đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định...
Sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng quý nhất là chị lại là một trong những tấm gương điển hình tham gia công tác xã hội khi nhiều năm nay là Ủy viên BCH TƯ Hội CCB Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB TP. Hà Nội, Phó ban liên lạc Đoàn đặc công 429, Ủy viên Hội hữu nghị Việt Nam-Lào, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Ủy viên BCH Hội Phụ nữ Hà Nội.
Cứ ngỡ, lắm chức thì lắm lương, hóa ra không phải. Các anh ở Hội Doanh nhân CCB Hà Nội cho biết, mỗi tuần chị dành tới hai, ba ngày lo việc chung, chỉ có xăng, xe và chi phí là của “riêng”. Bước chân của chị đi khắp các quận, huyện để tuyên truyền, vận động xây dựng và đưa các hoạt động của Hội Doanh nhân CCB TP. Hà Nội ngày càng hiệu quả. Đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã xây dựng được tổ chức Hội tại 22/31 quận, huyện với 187 hội viên, giúp nhau trong sản xuất kinh doanh và làm công tác xã hội.
Năm nay, Hội Doanh nhân CCB TP. Hà Nội dự định thành lập thêm 6 chi hội tại các quận huyện còn lại. Mừng nhất là, điều kiện kinh tế đất nước những năm qua trồi sụt là vậy, nhưng trong Hội Doanh nhân CCB của chị đều trụ vững và phát triển được trên thương trường, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động…
Mọi người đều hiểu, thành tích chung ấy, có chữ “tâm” rất lớn của người “nhạc trưởng” Nguyễn Thị Mai. Tâm ấy còn quý hơn vàng. Đấy là chưa kể, hơn hai chục năm qua, chị nuôi dưỡng hai Mẹ VNAH-mẹ của các đồng đội đã hy sinh; tài trợ cho nhiều hoạt động của Hội CCB, các Quỹ “Khuyến học”, “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng Nhà tình nghĩa cho Hội CCB tỉnh Phú Thọ, tặng bàn ghế cho các cháu thiếu nhi huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), tặng quà, trợ cấp cho các CCB, gia đình chính sách tỉnh Quảng Trị… mỗi năm vài trăm triệu đồng. Nhà thuyền Tây Long của chị trên Hồ Tây (Hà Nội) trở thành nơi gặp gỡ tri kỷ của nhiều CCB cả nước mỗi lần về với Thủ đô…
Với công sức và sự đóng góp vào công việc chung của chị, nhiều cấp, nhiều ngành đã dành cho chị nhiều phần thưởng xứng đáng, nhưng quý hơn cả vẫn là sự quý mến của các đồng đội, của người dân cho chị-người nữ CCB “vừa có tâm, vừa có tầm” tiêu biểu không chỉ của vùng đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Thanh Huyền