Nhà văn của “Mãi mãi tuổi hai mươi”
Mai Nam Thắng
Nhanh thật, mới đó mà “Mãi mãi tuổi 20” đã sắp 10 năm!
Tôi thân quen với nhà văn Đặng Vương Hưng từ năm 1984, khi cả hai chúng tôi được Quân đội cử về dự thi và trúng tuyển vào Trường đại học báo chí khóa 6 của Trường Tuyên huấn T.Ư 1, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lúc đó Đặng Vương Hưng là Thượng úy, phóng viên Báo Quân khu 1 và đã nổi tiếng với nhiều bài thơ viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, đăng trên các báo, trong đó có bài đoạt giải A cuộc thi do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức (1981-1983). Anh sinh ra và lớn lên ở xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Học báo chí được 1 năm thì Đặng Vương Hưng xin dự thi và trúng tuyển vào Đại học viết văn Nguyễn Du khóa 4. Năm 1990, tốt nghiệp, Đặng Vương Hưng chuyển ngành sang Báo Công an nhân dân. Từ đây, bên cạnh công việc viết báo, anh làm thơ, viết văn.
Năm 2004, hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập QĐND Việt Nam (22-12) và 30 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4), Đặng Vương Hưng đã cùng một số nhà văn CCB phát động Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Hàng vạn lá thư, hàng trăm cuốn nhật ký thời chiến được phát hiện, gửi đến ban tổ chức. Theo đó, gần 100 tác phẩm thuộc “Tủ sách mãi mãi tuổi 20” đã ra đời. Trong đó có 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã trở thành hiện tượng trong đời sống chính trị-xã hội của cả nước những năm 2005-2006. Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành phong trào rộng lớn “Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi 20” của thế hệ trẻ và các CCB; do Đoàn Thanh niên và T.Ư Hội CCB Việt Nam phối hợp tổ chức. Năm 2012, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác nhận Đặng Vương Hưng là “Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”. Hiện nay, anh là thành viên sáng lập và là Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”...
Nhà văn Đạng Vương Hưng cũng là tác giả ý tưởng và tham gia tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến, được tiến hành trong 3 năm (2008-2010) do Tổng cục Chính trị, Hội CCB Việt Nam và T.Ư Đoàn Thanh niên đồng chỉ đạo. Cuộc vận động đã tiếp nhận hơn 11.000 kỷ vật, với 4 cuộc triển lãm, 3 cuộc giao lưu, 11 cuộc gặp mặt nhân chứng lịch sử... diễn ra tại ba miền, nhân những ngày kỷ niệm lớn của đất nước từ năm 2008-2010. Trong đó, có nhiều kỷ vật gắn liền với chiến công hiển hách của các anh hùng, tướng lĩnh quân đội, có những kỷ vật rất đỗi giản dị, chỉ là những bức thư thời chiến, là những vật dụng thông thường của những người lính bình thường, của gia đình họ… Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao đã tham gia và ủng hộ kỷ vật cho Ban tổ chức. Trong Lễ tổng kết cuộc vận động được tổ chức cuối tháng 12-2010, nhà văn Đặng Vương Hưng được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp trao tặng Bằng khen.
Tháng 12-2014, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã triển khai Đề án “Doanh nghiệp và doanh nhân tri ân Tổ quốc”. Theo đó, vào dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, sẽ động thổ xây dựng Đài tưởng niệm “Mãi mãi tuổi 20” và nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tại NTLS Trường Sơn. Thêm một ý tưởng của nhà văn CCB Đặng Vương Hưng sắp trở thành hiện thực!
M.N.T