Nhà văn chiến sĩ ấy (23/08/2012)

Ít ai biết rằng nơi đây là mái ấm của nhà văn Phan Tứ (tức Lê Khâm), người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, tác giả của những tác phẩm “Trước giờ nổ súng”, “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” làm lay động hàng triệu trái tim bạn độc. Ông đã mất năm 1995, trong ngôi nhà chỉ còn vợ nhà văn, bà Đinh Thị Phương Thảo.

Tình yêu của nhà văn Phan Tứ và bà là một mối tình đẹp, đầy chất thơ. Năm 1958, trong khoa văn của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, có một anh bộ đội vừa từ chiến trường Lào trở về. Người ta giới thiệu với bà đó là Lê Khâm, trước khi vào học đã có “vốn” là tác phẩm viết về chiến trường Lào “Bên kia biên giới” và đặc biệt nữa, anh là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Nhưng có lẽ biết cũng chỉ để “kính nhi viễn chi” nếu không có đợt về nông thôn gặt lúa giúp dân. Lớp sử chỉ một mình Phương Thảo là nữ, nên được gửi sang lớp văn. Một hôm, cô gái bị đỉa cắn sưng chân phải ở nhà. Anh gánh lúa đi qua, nghe cô bị đau chân, sốt sắng đưa sang lọ dầu xa-li-xi-lát để bôi, rồi kháng sinh, bông băng. Họ yêu nhau từ đó.

Ba năm bên nhau đủ để tình yêu của họ dày lên kỉ niệm với những đêm Hồ Tây, những chiều Bách Thảo và bao con đường thân quen in dấu mỗi ngày. Nhưng rồi chiến trường miền Nam vẫy gọi, một con người đầy hoài bão như anh làm sao có thể không dấn thân để có những tác phẩm sống động về quê hương. Và làm sao chị, một sinh viên khoa sử, luôn trăn trở với thăng trầm của đất nước lại không động viên anh lên đường. Vậy là anh đi, đằng đẵng 5 năm…

Trước khi Phan Tứ vào Nam, Phương Thảo đã muốn có một đám cưới. Nhưng anh không muốn bởi lo nếu anh hi sinh người vợ trẻ sẽ góa bụa sau nhiều năm chờ đợi. Cũng vì quá yêu anh, vì những bức thư của anh đốt lên trong chị nhiệt huyết của tuổi trẻ, mà Phương Thảo nhất quyết muốn vào miền Nam để được gần anh, để dạy học cho các em nhỏ vùng giải phóng. Có điều sức khỏe không bảo đảm để hành quân xa, nên lá đơn tình nguyện của chị không được chấp nhận. Vậy là những cánh thư của hai người tiếp tục theo đồng đội ra Bắc vào Nam cho đến năm 1966 thì họ đoàn tụ giữa lòng Hà Nội.

Bao năm tháng ác liệt ở chiến trường Khu 5, nhà văn Phan Tứ bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Hai lần qua Đức để chữa bệnh viêm tụy, hàng tháng trời nằm Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, Việt-Đức, rồi Bệnh viện C Đà Nẵng để chống chọi với bệnh tiểu đường, thấp khớp, xơ gan cổ trướng… 15 năm bà Phương Thảo đồng hành cùng ông chiến đấu với tử thần. Có tình yêu của vợ và con trai tiếp sức, ngoài chục tác phẩm sáng tác và xuất bản lúc còn sung mãn, những năm bệnh tật đầy mình, Phan Tứ vẫn kịp hoàn thành 3 trong tổng số 4 tập tiểu thuyết “Người cùng quê” mà ông rất tâm đắc, dịch “Sông Hằng mẹ tôi” (văn học Ấn Độ), cùng nhiều tác phẩm khác. Có những hôm nửa đêm thức dậy, bà thấy ông một tay ôm gập bụng nén cơn đau, tay kia vẫn không rời bàn phím chiếc máy chữ. Lại có ngày, sau những cơn sốt rét đắp đầy chăn, ông lại ngồi dậy phờ phạc uống một bụm thuốc đầy tay, ăn chén cháo nóng vợ đưa, rồi lại viết và tiếng máy chữ lóc cóc như cũng rên lên vì thương người chủ ốm đau của mình. Đã nhiều lần bà bảo: “Hay là anh đọc cho em chép”, nhưng ông nói: “Không tiện đâu, mà em cũng có khỏe hơn gì anh, em phải là trụ cột của cả nhà”. Cứ thế, bàn tay ông chỉ ngừng viết khi phải nhập viện khẩn cấp và sau đó chìm vào hôn mê…

Sau khi nhà văn Phan Tứ mất (năm 1995), bà Đinh Thị Phương Thảo đã tập hợp các bài viết của ông xuất bản cuốn “Thức tỉnh” mà ông chưa kịp làm, phối hợp cùng nhà văn Hoàng Minh Nhân xuất bản “Mẫn và tôi sống mãi”, và hiện nay đang cùng bà Lê Thị Kình (chị của nhà văn) biên soạn, chọn lọc hơn 50 tập ký chiến tranh của ông để tiến tới xuất bản.

Hồng Vân