Nhà thơ Thanh Tịnh và cô hàng xén Cần Thơ

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975), nhà thơ Thanh Tịnh cùng các nhà văn quân đội Mai Ngữ, Nhị Ca, Phạm Ngọc Cảnh... đáp xe đò từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Anh Sáu Nghệ-cán bộ ngành văn hóa địa phương đưa đoàn nhà văn đi thăm thành phố. Bấy giờ tuổi đã cao nên Thanh Tịnh muốn “giữ thân” bằng cách mà ông cho là rất “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Ấy là phải “ấm cổ ấm chân”. Có người can rằng trong Nam nóng, không rét như ngoài Bắc. Ông bảo, xưa nay chỉ có người chết rét chứ ít thấy có người chết nóng và đi tìm mua bằng được một đôi vớ (bít tất). Đứng trước một sạp hàng, nhà thơ đang chăm chú tìm chọn thì anh Sáu Nghệ nói câu gì đó với cô hàng xén khiến cô nói to lên như reo: “Trời ơi, thiệt vậy hả?”.
Và cô đứng lên: “Thưa thầy!...” một cách rất cung kính. Bàn tay cô ta như muốn để thật lâu trong bàn tay gầy của nhà thơ. Trong câu chuyện sau đó, cô hàng xén miền Tây cho biết, không chỉ riêng cô mà nhiều thế hệ học trò miền Nam trước giải phóng 1975 đều biết Thanh Tịnh qua truyện ngắn “Tôi đi học” mà nhà thơ viết từ thời chưa ra Bắc tòng quân, chưa là bộ đội. Với những dòng đầy chất thơ, trong trẻo, nguyên khôi: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường... Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. “Tôi đi học” đã trở thành một trong những trang văn hay nhất viết về tuổi học trò suốt hơn 70 năm qua; đồng thời là tác phẩm nằm lòng của nhiều thế hệ học sinh cả trong Nam, ngoài Bắc
Không biết, cô hàng xén bên bờ sông Hậu ấy có phải đã một thời học thầy Thanh Tịnh ở Huế không, hay chỉ là một bạn đọc của ông mà nhớ, mà trọng ông đến vậy? Chính nhà thơ Thanh Tịnh cũng không biết nữa, trong ông chỉ cồn lên nỗi nhớ da diết về một thời quân ngũ chưa xa, về những năm tháng sống trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam” và “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân” như câu thơ năm nào ông viết: Trải qua mấy chục năm trường/ Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân.
Hoàng Thụy Lâm