Nhà thơ Tản Đà chống tham nhũng (04/10/2013)

Suốt đời, ông sống chết với văn chương và cũng suốt đời long đong lận đận; nhưng ông vẫn coi thường tiền tài, chức vị và sống rất “ngông”. Điều đó thể hiện ra cái tôi đối lập với thời cuộc trong thơ ông. Nhưng thơ ông đã là luồng gió mạnh ào ạt thổi vào lòng nhân gian đang ngái ngủ vì đau khổ ê chề, vì chán trường mệt mỏi trong cảnh sống nô dịch, phong hóa suy đồi, và tham quan ô lại, đầy dãy bọn sâu mọt đục khoét dân và nước, mà thi sĩ căm ghét, khinh bỉ, vạch mặt chỉ tên. Đó chính là thơ chống tham nhũng của Tản Đà, và cũng là thể hiện lòng yêu thương đất nước, nhân dân của ông, mà ta thấy rõ trong nhiều bài, như bài “Cảm đề” đăng trên báo An Nam tạp chí số 9 - 1972:

Thái Bình chưa dứt tiếng kêu than

Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An

Một phủ An Sơn trong mấy tháng

Mà tay Phan Tứ lấy ba ngàn

Cũng phường dối nước quân ăn cắp

Cũng lũ tàn dân, giống hại đàn

Lạnh lẽo hơi sương tòa tạp chí

Lệ ai giàn giụa với giang san!

Bài thơ này là vũ khí đánh mạnh vào nạn tham nhũng, đánh thẳng vào mặt những tên tham nhũng, mà không bóng gió, úp mở, không e dè, không sợ ai hết, không sợ gì hết, không sợ gì chết.

Trong bài “Nhớ cảnh lụt ở Bắc”, nhà thơ cũng thở than, phàn nàn bọn tham nhũng, rồi ông cũng vạch tội, để tố cáo, để gây dư luận đồng tình, lên án chúng và để cùng đánh mạnh bọn gian tham:

Nghe đồn tin nước xuống, mà lên

Mấy tỉnh hôm sau thấy vỡ liền!

Đục nước năm nay cò lại béo

Bao nhiêu đê vỡ bấy nhiêu tiền!

Chưa dừng lại, Tản Đà còn dùng vũ khí thơ, nhằm vào bọn tham nhũng như đánh tên tuần phủ Vĩnh Yên Đào Trọng Vận. Tên này ăn gần 3 ngàn đồng của đút trong một vụ tranh chấp gia sản. Thấy tên này bỉ ổi, Tản Đà làm ngay bài thơ “Xem tiểu thuyết Tờ chúc thư cảnh đề”, đăng ở An Nam tạp chí số 8-1927:

Thật có hay là mắc tiếng oan?

Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!

Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn

Mặt sắt còn bai miệng thế gian…

Hiếm thấy có thi sĩ đánh tham nhũng trực diện, quyết liệt, giáp là cà như Tản Đà. Tản Đà đúng là chiến sĩ – Nhà thơ chống tham nhũng dũng cảm, kiên cương, nên ông để lại tình yêu thương, kính trọng, mến mộ của nhân dân nghèo khổ và những trí thức yêu nước, thương dân.

Nguyễn Tiến Bình (st&bs)