Nhà thơ “Đông điếc”

Vợ chồng nhà thơ Đông điếc.

Chuyện về ông, nó bình thường như bao bình thường khác.

Một ngày hè, chưa đến 10 giờ mà nắng đã gay gắt, rất ít người ra đường. Một ông già mặc bộ đồ màu cỏ úa, áo bu dông, mũ mềm dắt xe đạp vào sân nhà tôi, ghi đông lủng cái túi có khóa đựng áo mưa đi vào. Tôi ra hiên đón, tay trong tay người ấy nói rất hồn nhiên:

- Tưởng khó tìm, hóa ra cũng dễ, mấy lão kia nhà tít trong ngõ, hỏi mãi mới ra.

Tôi chưa hiểu ý ông nói là sao, kéo ông vào ghế bật thêm quạt và mời nước. Ông có cảm xúc gì, kéo khóa cái túi lấy tờ giấy của Câu lạc bộ thơ  thị trấn Đông Bình mời tôi giao lưu thơ nhân ngày sinh của Bác Hồ. Thấy ông đi xe đạp, kính cận, tai ông đeo cái máy trợ thính đi mời dự giao lưu thơ mà ái ngại. Nhưng, ông không ngại, ông rút tiếp một tập bản thảo đưa cho tôi nhờ tôi đọc, hôm này giao lưu góp ý. Qua bản thảo, tôi biết lai lịch, tên tuổi, quê quán của ông. Ông soạn kịch, đạo diễn, làm thơ đã được tặng mấy giấy khen cho sáng tác văn nghệ về tuổi cao gương sáng.

Ông là bệnh binh Phạm Trung Đông sinh năm 1947, sống ở thị trấn Đông Bình huyện Gia Bình, ủy viên Ban chấp hành CLB thơ thị trấn Đông Bình.

Tôi bảo:

-Hôm nay bà xã tôi đi lễ chùa, anh ở lại xơi cơm uống rượu chiều mát hãy về?

Ông cười rất trẻ, vui vẻ nhận lời. Người điếc hay nói, ngồi vào mâm là ông tuồn tuột:

-Tớ bệnh binh 2, tháng có chút chế độ, vợ nông dân, mình không nghiện bia rượu nhưng nghiện cà phê. Hai vợ chồng vào Nam với con hơn 10 năm, giờ cả hai nghiện cà phê đá. Sáng nào cũng pha hai phin cho đá nhâm nhi đến trưa khỏi phải uống nước. Năm 60 tuổi vào Hội Người cao tuổi mới tham gia văn nghệ, làm thơ viết kịch cho các cụ diễn, thấy vui; tiếc là bị điếc, chuẩn bị cho giao lưu anh em Ban Chấp hành hội mỗi người mỗi việc, mình điếc nhận vai đi mời, mình phải mời bốn xã, đi từ xa về gần, đây là điểm cuối cùng, tớ không biết đi xe máy, thiệt thòi nhưng an toàn. Nhờ ông đọc và có lời bình cho mình, mình thích động viên nhưng phải đúng, hay dở phải nói thật. Khi mình viết kịch bản mang cho đạo diễn xịn xem hộ, ông ấy xem qua vẻ khinh thường vứt trả. Mình kể lại với vài người ai cũng bức xúc. Nhưng sau đấy mình xem lại và viết lại toàn bộ thì thành công, đấy cũng là kỷ niệm tốt. Mình thích sự chân thành. Bạn bè gọi mình là “Đông điếc” mình cũng thấy hay hay vì mình điếc thật, gọi thế vừa gần vừa có chất văn nghệ hơn.

Xong bữa, tôi pha cà phê tan, ông uống và xin phép. Tôi hoảng quá bảo nắng thế này mà ông còn đạp xe dăm cây số mới tới nhà, thôi, nghỉ lại đây chiều về. Ông chỉ đồng hồ mới 11 giờ và dứt khoát không ở lại Ông bảo: Nhà có hai vợ chồng, mình không về bà ấy chưa ăn. Thông cảm cho mình, mình đi được.

Vài hôm sau, tôi tìm thăm nhà ông; ông bà đang uống cà phê. Ông mừng reo lên, bà cũng hoan hỷ mời chào rồi đi pha cà phê đãi khách. Tôi trao cho ông bài viết vài cảm nhận khi đọc tuyển tập thơ, kịch của ông. Ông bảo đây là bằng chứng về nghĩa tình đồng đội. Còn bà lại bảo:

-Chú ạ. Ông ấy nhà tôi thật thà lắm. Điếc lác chả biết làm gì chỉ say đọc thơ và làm thơ, tôi cũng thấy vui mỗi khi có bạn thơ của ông ghé chơi, hôm nay chú ở đây với chúng tôi, tôi không có cao lương mỹ vị gì đâu, chỉ có rau trồng thôi, tôi không lương mà hai bên đường đất nhiều đất tốt chịu khó trồng tưới là rau tốt bời bời, tôi vừa đi chợ về, mỗi ngày cũng kiếm thêm tý chút làm vui như các ông vui với thơ phú ý.

Bẵng đi mấy năm cúm dịch, chúng tôi không giao lưu gặp mặt. Hôm nay Hội Văn học Nghệ thuật huyện gặp mặt văn nghệ sỹ đầu xuân. Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng. Ông bỏ máy nghe rồi, máy nghe giờ cũng ít tác dụng, giờ ông điếc lắm nhưng vẫn muốn đi để gặp gỡ bạn bè. Ông về sớm và dặn tôi khi nào về ghé qua ông sẽ có quà. Quà ông tặng tôi là cuốn “Nhân tâm lưu ký” dày hai trăm trang, in đẹp, bìa đẹp mà ông sưu tầm những ý đẹp lời hay về đạo lý nhân sinh xã hội, một số đoạn thơ, câu đối hay mà ông yêu thích. Tôi thầm cảm phục ông, chàng “Đông điếc” sống âm thầm lặng lẽ mà làm được một việc thật ý nghĩa? Sao tôi không kính phục?

VŨ THẾ THƯỢC