Nhà sư ấy đã cưới ni cô (16/02/2011)

Nhưng không ai biết rằng, vị sư 25 tuổi đó lại là cán bộ Việt Minh, sau này là Đại tướng Văn Tiến Dũng. Điều kỳ lạ nữa là "nhà sư" lại thành hôn với một "ni cô".

Bà quê ở Đồng Nhân (Hà Nội), bố mẹ đặt tên là Tám- Cái Thị Tám. Năm 1942, bà được giác ngộ cách mạng và thoát ly gia đình, nhận nhiệm vụ công tác binh vận, khi chuyển sang công tác dân vận, tổ chức đưa bà đến chùa Đề Trụ với tên Bắc. Có một việc mà bà lo nhất là mang công văn, tài liệu, báo chí đến các cơ sở của Đảng. Khuôn mặt đẹp, nước da trắng hồng, của bà dầu có khoác áo nâu sồng, bôi lấm lem nhưng cứ ra đường là trăm mắt nhìn theo. Bà cúi đầu che mặt nhưng không tránh được những lời trêu ghẹo của đám con trai. Được ít lâu, xảy ra chuyện lý trưởng của làng đòi cưới tiểu Bắc làm vợ. Sợ bị lộ, Xứ uỷ quyết định chuyển bà sang chùa Ghênh thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên, với tên mới là tiểu Bình. Được vài tháng sau cháu của chủ trì chùa này ở Hà Nội về chơi, thấy tiểu của cụ xinh đẹp, ở lỳ không đi, đòi lấy nàng làm vợ. Một lần nữa bà lại được bố trí về làm con nuôi cho một cụ bán nước chè xanh ở làng Bỏi, Đông Anh. Cô gái nuôi giúp mẹ bán nước, thỉnh thoảng đi "chợ xa". Một lần bà được phân công liên lạc với một vị sư ở chùa Bột Xuyên tên là Hoài (tức là Đại tướng Văn Tiến Dũng sau này). Anh được bố trí cải trang làm sư ở đây. Bà nhớ lại: "Lần đầu tiên gặp Hoài, nhìn vị sư gầy gò nhưng đôi mắt sáng, vầng trán thông minh, ăn nói dễ nghe, tôi đã có cảm tình. Nhiều lần gặp nhau tôi bắt gặp ánh mắt của Hoài, tôi thấy nao lòng. Thế rồi một lần, tôi nhận được một lá thư vẻn vẹn có một dòng "Ngày mai mình gặp nhau ở chợ Táo", dưới ký chữ Hoài. Cả đêm tôi không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, tôi cắp thúng đi chợ. Hoài cũng có mặt đúng lúc đó . Hoài nói với tôi nhiều thứ lắm, nhắc nhở tôi trong công việc lúc nào cũng phải cẩn thận, cảnh giác, bí mật. Cuối cùng Hoài nói đến chuyện tình yêu đôi lứa. Tới đầu năm 1944, Xứ uỷ Bắc Kỳ họp ở Trung Màu, đã kết hợp tổ chức đám cưới cho vợ chồng đồng chí Hoàng Quốc Việt và vợ chồng tôi!...”.

Cưới xong, ông bà không một ngày được hưởng tuần trăng mật, tổ chức phân công mỗi người một nhiệm vụ. Tháng 8 năm 1944, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba ở Sen Hồ, Bắc Ninh. Sau ngày chồng bị bắt, bà được chuyển lên làm liên lạc cho đồng chí Trường Chinh, bà học được nhiều điều. Nỗi nhớ thương chồng cộng với lòng căm thù giặc Pháp, tính cẩn thận, khéo léo, bà đã làm tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bà tâm sự: "Tháng 12-1944, chồng tôi vượt ngục. Sau mấy tháng xa cách, tôi được gặp chồng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Anh gầy gò, ốm yếu, người toàn chấy rận. Tôi đun nước tắm giặt và thuốc men chăm sóc, anh dần hồi phục. Do điều kiện công tác, chúng tôi luôn phải sống trong xa cách. Năm 1945, anh được cử làm Uỷ viên thường vụ Uỷ ban Quân sự Bắc Kỳ, phụ trách Chiến khu Quang Trung, chỉ đạo vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở vùng này. Tiếp đó anh được giao nhiệm vụ lập Chiến khu 2, tiếp đó lên làm Tổng tham mưu trưởng... Anh đi liên miên hết chiến dịch này đến chiến dịch khác cho đến khi miền Bắc được giải phóng. Sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch Trị - Thiên, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh... Còn tôi, năm 1945, tôi được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Lý Chính Thắng đi xe lửa vào Nam bắt liên lạc với Xứ uỷ Nam kỳ đưa mật lệnh Tổng khởi nghĩa. Tiếp đó, tôi làm cán bộ phụ nữ của tỉnh Sơn Tây, làm xưởng may chăn trấn thủ cho quân nhu ở Bắc Kạn, rồi lên Việt Bắc làm thủ quỹ, nuôi quân, làm y tá..., cuối cùng về công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, rồi nghỉ hưu tại đó. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là vợ lính, tôi phải chấp nhận xa chồng, xa con, hơn thế nữa còn chấp nhận sự mất mát, hy sinh nếu chồng tôi bị địch bắt bớ, tù đày hay có thể nằm lại chiến trường khi ông đi chiến dịch. Những năm tháng làm vợ lính, dẫu trải qua muôn vàn vất vả, gian nan, nhưng tôi thấy rất hạnh phúc. Kỷ niệm đẹp của vợ chồng tôi là những tháng ngày xa cách, và mỗi lần gặp nhau, lại có thêm một đứa con.

TRẦN THANH HẰNG