Nhà ở xã hội: Thiếu cung, thừa cầu
Nhiều người dân có mặt tại dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (Đà Nẵng) để nộp hồ sơ mua nhà từ 4 giờ sáng, tuy nhiên đến chiều vẫn chưa tới lượt.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 486/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, với lãi suất chỉ 4,8%/năm, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-5-2023 đến 31-12-2024.
Trước đó, đầu tháng 4-2023, Chính phủ phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Việc phê duyệt đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, thống nhất gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng và quyết định lãi suất ưu đãi 4,8%/năm được kỳ vọng tạo điều kiện cho người dân, công nhân lao động có thu nhập thấp tiếp cận các nguồn hỗ trợ mua nhà ở xã hội.
Theo quan điểm của Ngân hàng thế giới và UNDP (Chương trình phát triển LHQ) người thu nhập thấp là những người có chi tiêu ít nhất 66% thu nhập cho ăn uống để tồn tại, 34% thu nhập còn lại dành cho nhà ở, văn hóa, giáo dục, y tế, đi lại...
Xét trên phương diện cải thiện nhà ở, người thu nhập thấp là những người phải chi một phần thu nhập để thuê nhà hoặc trả góp tiền sửa nhà, mua nhà ngoài việc chi tiêu cho nhu cầu cơ bản; những người hiện đang sống trong những ngôi nhà nhỏ quá cũ nát mà không có điều kiện sửa sang hay cải tạo lại; những người có thu nhập ổn định và có khả năng tích lũy vốn để cải thiện điều kiện ở, với sự hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn dài hạn trả góp, tạo điều kiện ưu đãi về chính sách đất đai và trên cơ sở hạ tầng; những người chưa có nhà hoặc có nhà nhưng diện tích chật hẹp, diện tích bình quân dưới 5m2/người.
Thực trạng hiện nay không chỉ nguồn cung chung cư, nhà ở xã hội đang thiếu mà với mức giá từ 600 triệu đồng trở lên, nhiều lao động gần như không thể tiếp cận được với ước mơ có được căn nhà ổn định. Nhiều gói tín dụng khác cho phân khúc này cũng đã được công bố, nhưng để mua được nhà ở xã hội thì không đơn giản.
Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu mua nhà ở xã hội từ các công nhân tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn trong giai đoạn 2021-2030. Nếu tính hết cả nguồn cung hoàn thành hiện hữu và nguồn cung tương lai, thị trường sẽ còn thiếu hơn 1 triệu căn, tương đương với 51% tổng nhu cầu.
Theo Sở LĐTBXH T.P Hà Nội, tiền lương bình quân năm 2022 của người lao động tại các doanh nghiệp gần 7 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng, một gia đình có 2 con nhỏ trong độ tuổi đi học rất khó tiếp cận dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, như Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn được mở bán lần đầu với giá gần 20 triệu đồng/m2 (diện tích căn nhỏ nhất 69,9m2). Để có một căn hộ, nếu để dành 50% thu nhập (tương đương 10 triệu đồng) và được hỗ trợ nguồn vay lãi suất thấp, thì người mua phải trả gần 1,4 tỷ đồng trong vòng 12 năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thủ tục hành chính kéo dài và tỷ suất lợi nhuận bị giới hạn ở mức 10% trở xuống là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà làm nhà ở xã hội. Không chỉ thủ tục phát triển dự án, thủ tục mua nhà ở xã hội cũng khiến người mua khó khăn như: Người mua phải đáp ứng nhiều điều kiện về thu nhập, diện hộ gia đình, khu vực cư trú... Trong quá trình đăng ký mua nhà, người mua phải chờ bốc thăm và nộp nhiều loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Quy trình kéo dài và phức tạp này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn đối với những người dân có nhu cầu thực sự và cấp bách về nhà ở.
Câu chuyện nhà ở xã hội tại T.P Đà Nẵng nóng trở lại những ngày đầu tháng 5-2023, khi nhiều người dân xếp hàng dài chờ nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội từ 4 giờ sáng tại một dự án ở quận Liên Chiểu. Có người chờ nửa ngày chưa được gọi tên, thậm chí là 2 ngày rồi vẫn có người mang hồ sơ lên rồi lại quay về vì nhiều lý do.
Hiện nay, giá nhà ở tại Việt Nam cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hằng năm, khiến việc sở hữu nhà ở không hề dễ dàng. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp tái cân bằng, cụ thể là phát triển nhà ở xã hội như một công cụ bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
Hồ Thanh Hương