Nhà ở cho công nhân: Đã lâu “bỏ” nay mới “lo”

Khu lưu trú công nhân của Khu chế xuất Tân Thuận Sadeco (T.P Hồ Chí Minh).

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, “hồi hương” là lựa chọn bất đắc dĩ của người lao động tại các trung tâm công nghiệp của T.P Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Sau hơn 4 tháng cầm cự ở nơi “đất khách quê người” vì dịch bệnh, không việc làm - không nguồn thu nhập, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, những đồng tiền tích lũy được trước đó cũng dần cạn kiệt. Cuộc sống của họ ngày một eo hẹp, không còn khả năng trả tiền thuê nhà. Cũng từ đây, bài toán nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp một lần nữa lại “nóng” lên hơn bao giờ hết.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn 2030, đến nay cả nước đã có 202 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với diện tích hơn 7,3 triệu mét vuông sàn; trong đó, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 111 dự án, quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ với tổng diện tích hơn 2,3 triệu mét vuông, đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch. Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Năm 2020, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu nhà ở. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm 50% số lượng công nhân có nhu cầu nhà ở, dẫn đầu là Bình Dương sau đó đến T.P Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên được xác định là do tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng...

Ông Trần Hoàng Danh - Bí thư Quận ủy quận 12 (T.P Hồ Chí Minh)  cho biết, các nhà trọ công nhân do không đảm bảo về diện tích tối thiểu, điều kiện sinh hoạt không đầy đủ nên dịch lây nhiễm cao thời gian qua. Do đó, địa phương đang tính toán về nhà ở công nhân để phòng chống dịch lâu dài, nhưng hình thức cụ thể còn bàn bạc như mô hình nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp hay dạng cho thuê trên cơ sở công nhân chi trả, không bao cấp hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho hay: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.000 công nhân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và 10.000 công nhân ở các tỉnh Tây Nguyên về quê, ngoài ra ở các tỉnh phía Bắc cũng có khoảng 5.000 công nhân về quê. Người lao động ở trong các khu nhà trọ quá chật chội, thời gian giãn cách kéo dài nhiều tháng, trong khi các chủ nhà trọ chỉ giảm một nửa tiền trọ hoặc giảm 1 tháng tiền trọ khiến đời sống công nhân khó khăn. Để công nhân quay trở lại sản xuất, tỉnh Đồng Nai có chính sách hỗ trợ cho công nhân miễn phí tiền trọ từ nay đến hết tháng 12-2021 và hỗ trợ 1 lần. Theo đó, mức hỗ trợ là 300.000 đồng/người.

Tại Hội nghị về quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 vừa diễn ra ngày 16-10, việc thúc đẩy việc phát triển nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp được xác định là giải pháp căn cơ để giải quyết “cơn khát” lao động của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị, về lâu dài Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai… theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới chính sách về nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Về tiêu chuẩn nhà ở cho công nhân, hiện nay các khu nhà trọ của công nhân có diện tích nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn. Tổng Liên đoàn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp cho thuê được thiết kế tối thiểu là 10m2/người.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp theo hướng trong quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng...

Biến cố về thiếu hụt nguồn lao động cho thấy “mặt trái” của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tận dụng thị trường lao động giá rẻ trong nước. Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân là một giải pháp giúp nâng cao chất lượng của nguồn lao động về lâu dài.  

Hiện nay, tốc độ thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung ngày một lớn thu hút nhiều lao động, do vậy nhu cầu nhà ở ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần rà soát quỹ đất thực hiện, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở công nhân.

Hồ Thanh Hương