Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại gặp sự cố (07/08/2012)
Cùng lúc đó, các nhà nhập khẩu trong nước lại đang tìm mua gần 840.000 thùng xăng, dầu thành phẩm các loại để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Thời gian đóng cửa nhà máy, được nguồn tin của Reuters dự kiến là 2 tuần. Tuy nhiên, hãng tin này chưa nhận được xác nhận chính thức từ phía lãnh đạo nhà máy.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng cho biết phân xưởng Cracking xúc tác (Unit 15) - được coi là "trái tim" của nhà máy - đang gặp sự cố kỹ thuật phải tạm dừng hoạt động hai ngày qua.
Nguyên nhân ban đầu được các chuyên gia đưa ra là nhà máy mới khởi động trở lại nhưng đã vận hành ngay với công suất 100% khiến thiết bị CO-BOILER tại phân xưởng Cracking xúc tác bị nứt. Do vậy phân xưởng quan trọng này phải tạm dừng để khắc phục bằng cách hàn gắn thì mới có thể vận hành trở lại được.
Hiện phía nhà thầu Technip đã huy động chuyên gia từ Nhật Bản sang Việt Nam để tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự cố bể đường ống của thiết bị CO-BOILER, phân xưởng Cracking xúc tác. Hiện phân xưởng này đã tạm dừng hoạt động, trong khi các phân xưởng khác hoạt động cầm chừng khoảng 60% công suất.
Trước đó, từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã dừng hoạt động để xử lý các lỗi kỹ thuật trước khi nghiệm thu lần cuối và bàn giao vào cuối năm nay. Theo đó, các chuyên gia của Tổ hợp nhà thầu Technip phối hợp cùng kỹ sư, công nhân của Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn đã xử lý dứt điểm 4 lỗi kỹ thuật lớn và vài chục lỗi nhỏ tại các phân xưởng công nghệ. Trong đó, các lỗi kỹ thuật lớn tập trung ở phân xưởng công nghệ Cracking xúc tác (RFCC) - phân xưởng công nghệ quan trọng nhất của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sau khi vận hành trở lại đạt 100% trong suốt một tháng qua, hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp sự cố kỹ thuật (nằm ngoài kế hoạch dự tính của công ty).
Trên thị trường năng lượng quốc tế, thông tin về việc Việt Nam bất ngờ cần thêm nguồn xăng dầu thành phẩm được dự báo sẽ tiếp tục hâm nóng thị trường khu vực, nhất là nhiều nhà máy lọc dầu tại các nước lân cận cũng đang tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng hoặc vì lý do kỹ thuật. Điều này cũng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu dầu thô nội địa, khi các nguồn tin quốc tế cho biết Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đang chào bán 700.000 thùng, với hạn giao là tháng 9, khi thị trường năng lượng được dự báo “ấm hơn”.
Tuy vậy, cùng với việc xuất dầu thô, theo giới kinh doanh năng lượng, PV Oil cũng đang tìm mua khoảng 108.000 m3 xăng, dầu thành phẩm các loại (tương đương 680.000 thùng), được giao vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới. Một đầu mối nhập khẩu khác là Saigon Petro cũng đang đặt mua khoảng 160.000 thùng các loại và dự kiện nhập cảng vào cuối tháng 8.
Quỳnh Anh (TH)