Nhà giáo là “viên chức đặc biệt”

(Báo tháng) - Ngành Giáo dục ngay giữa Thủ đô từng đưa ra chính sách tuyển dụng áp chuẩn khiến cho trên 600 giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai nguy cơ mất việc, nay sự việc tương tự lại xảy ra gần 300 giáo viên ở Sóc Sơn. Như vậy dường như việc nôn nóng giải quyết bài toán chuẩn nhân sự cho ngành Giáo dục vấp phải những nút thắt khó có thể tháo gỡ.

Chung quy chỉ vướng “luật”:

Nhìn lại những văn bản của 2 bộ luật là “Luật Giáo dục” và “Luật Viên chức”. Tại Điều 58 Luật Giáo dục hiện hành nêu: “Nhà trường có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục; xác nhận hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền; Tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên”.

Như vậy, Luật Giáo dục cho phép các nhà trường được quyền tuyển dụng cán bộ, giáo viên để thực hiện các hoạt động giáo dục của trường. Tuy nhiên, tại Luật Viên chức. Điều 24 Luật quy định: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng”.

Luật Viên chức quy định việc tuyển dụng viên chức (trong đó có giáo viên các cấp) được thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Căn cứ vào các văn bản nêu trên, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và ban hành các văn bản quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập làm căn cứ để các địa phương, cơ sở giáo dục tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Rõ ràng là có sự bất cập từ hai Luật trên. Theo Luật Viên chức, khi tuyển dụng giáo viên, ngành Nội vụ vẫn giữ vai trò chủ trì và chuẩn đầu vào theo quy định của ngạch Viên chức mà Bộ Nội vụ đã đề ra là điều mà mọi giáo viên điều phải đạt.

Như vậy việc tồn tại một đội ngũ giáo viên các cấp ở các cơ sở giáo dục công lập được ký hợp đồng dài hạn phục vụ cho công tác giáo dục, giảng dạy của trường là đúng theo Luật Giáo dục và việc tổ chức thi tuyển giáo viên theo tiêu chuẩn của Viên chức cũng là đúng theo Luật Viên chức.

Cần ngay một cơ chế tuyển dụng hợp lý cho ngành Giáo dục

Trở lại sự việc gần 300 giáo viên hợp đồng cả cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có người đã cống hiến trong ngành gần 30 năm, vừa viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước nguy cơ họ sắp bị mất việc vì không thể vượt qua được “cửa ải” thi viên chức theo Luật Viên chức.

Tính đến thời điểm này, đã có giáo viên công tác trong ngành Giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm. Nhiều giáo viên hợp đồng từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy, cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Có thầy cô được tặng Bằng khen các cấp, tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Nhìn vào thực tế rõ ràng với cương vị một giáo viên thì họ đã hoàn thành tốt công việc của mình và một điều đáng trân trọng là cho dù cuộc sống kinh tế, thu nhập vẫn còn khó khăn nhưng họ vẫn bám nghề, bám trường, bám học sinh bao năm qua. Chỉ vì thực hiện một “chuẩn” cho hệ thống viên chức của chính quyền để lạnh lùng loại họ ra khỏi cương vị công tác của họ liệu có công băng hay không?

Cần phải thấy rằng nghề giáo viên là một nghề có tính đặc thù – Nhà giáo phải hiểu là “viên chức đặc biệt”. Họ không chỉ đơn thuần là một viên chức mà còn là người cha, người mẹ hiền thứ 2 của các em học sinh. Thực tế, từ bậc mầm non đến bậc phổ thông, thời gian học ở trường trong một ngày của các em rất nhiều và thầy, cô chính là người đồng hành, người giám hộ, người chăm sóc, dạy dỗ các em và chịu trách nhiệm khi các em bị bạo lực, bị bắt nạt... trong thời gian học tập ở trường và cùng gia đình, xã hội chịu trách nhiệm về sự an toàn của các em khi các em từ trường về nhà, đặc biệt với trẻ ở mầm non và cấp học phổ cập.

Nói về tính đặc thù và tầm quan trọng trong công tác tuyển dụng cho ngành Giáo dục, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVH,GD,TN và NĐ) của Quốc hội nhận định:

Ngành Giáo dục có một vai trò đặc thù vô cùng rất quan trọng, vì lẽ đó rất cần có sự phối hợp sâu của ngành Giáo dục với ngành Nội vụ trong vấn đề tuyển dụng, bố trí sắp xếp giáo viên. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ cần ngồi lại với nhau để có được giải pháp thấu đáo trong chính sách tuyển dụng giáo viên. Đặc biệt phải có cơ chế phối hợp thông thoáng và hiệu quả hơn giữa hai ngành.

Bởi thực tế hiện nay, nếu tuyển dụng giáo viên như những viên chức khác là rất bất cập cho ngành Giáo dục. Điều này cần sự phối hợp này từ Trung ương đến địa phương đòi hỏi phải đảm bảo tính hiệu quả, logic với quy trình chặt chẽ, công khai.

Thực tế, vấn đề này đang gặp nhiều trở ngại, hiệu quả thấp. Tôi đề nghị cần xem xét thấu đáo để trình Quốc hội sửa Luật Viên chức. Song song với đó, chúng ta phải nhanh chóng có Luật Nhà giáo. Đồng thời, trong Luật Giáo dục (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Chính phủ cần xem xét quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, người đứng đầu chính quyền các địa phương trong công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp đội ngũ nhà giáo cùng với chính sách xã hội hóa để phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao, bám sát các “chuẩn” theo chất lượng giáo dục đặt ra cho cả trường tư, trường công, sao cho minh bạch, rõ ràng; kể cả trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ đất đai hoặc tín dụng cho các trường tư và hỗ trợ cho người học ở các trường tư diện phổ cập giáo dục, nhằm thúc đẩy các trường tư chất lượng cao phát triển (thay bằng việc Nhà nước phải xây thêm trường, lo đủ chỗ học theo chuẩn chất lượng đầu ra cho người học diện phổ cập) như hiện nay; dành kinh phí để đầu tư cho người học diện phổ cập ở trường công tại các vùng miền khó khăn và người học thuộc nhóm yếu thế.

Với quan điểm trên của vị Phó Chủ nhiệm UBVH,GD,TN và NĐ của Quốc Hội thì rõ ràng việc “áp chuẩn” Viên chức theo Luật Viên chức đối với đội ngũ giáo viên một cách máy móc, lạnh lùng như đang diễn ra hiện nay sẽ không thể đưa lại chất lượng cho nhân lực ngành Giáo dục.

Hoài Phi