Nguyễn Trường Tộ: “Người khai mầm văn hóa đầu tiên ở nước ta”
“Người khai mầm văn hóa đầu tiên ở nước ta” là lời ca ngợi của Phan Bội Châu dành cho Nguyễn Trường Tộ
Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) sinh tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Ông là một nhà Hán học, một nhà tư tưởng nổi tiếng của thời đại trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, trong đó tư tưởng về giáo dục là một trong những tư tưởng nổi bật nhất của ông. Sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, nền giáo dục Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mang nặng màu sắc của Nho giáo.
Trong chế độ phong kiến Việt Nam, đa số vua, quan đều thông hiểu Nho giáo và rất chú trọng đến việc giáo dục con người theo những chuẩn mực của Nho giáo. Sau một thời gian dài tồn tại trong lịch sử, tạo nên nhiều thành tựu rực rỡ, đến thế kỷ XIX, giáo dục Nho giáo Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đó là sự gò bó, câu nệ vào việc tầm chương, trích cú, xa rời thực tế, phiến diện. Sự hạn chế đó không phát huy được tính sáng tạo của tư duy con người, không thể là cơ sở, chuẩn mực để phát triển con người, đáp ứng được yêu cầu trước sự phát triển như vũ bão về khoa học kỹ thuật trên thế giới.
Tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ có những chủ trương nổi bật sau: Phê phán hư học; thực học; học tập nền giáo dục phương Tây.
Về chủ trương hư học: Theo Nguyễn Trường Tộ, nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh thời bấy giờ đó là chỉ chú trọng học những điều không thiết thực, học những chuyện xa xưa, không có ý nghĩa với cuộc sống hiện tại. Học những chuyện của Trung Quốc không phù hợp với đất nước, không giúp đất nước giải quyết được những vấn đề cấp bách lúc đó. Cần phải bãi bỏ lối học văn chương, bãi bỏ lối học sùng bái các nhân vật lịch sử, bãi bỏ tệ say đắm những chuyện xưa. Tầng lớp tri thức uyên thâm Nho giáo tỏ ra lúng túng trước tình hình chính sự khi thực dân Pháp xâm lược. Ông lấy dẫn chứng rằng, các nước phương Đông sở dĩ trở nên hèn yếu là do: “Chuộng hư văn phù phiếm, học lối xu nịnh để được cái phú quý mong manh trước mắt mà không biết rằng cái khôn khéo của người phương Tây ngày nay chính là lượm lặt từ cái dư thừa của phương Đông mình ngày xưa đó”. Việc phê phán, việc thoát ly sự ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo về giáo dục của Nguyễn Trường Tộ là một bước khởi đầu cho thái độ cởi mở về giáo dục Việt Nam đương thời, qua đó tạo điều kiện cho việc tiếp thu các thành tựu về tri thức của nhân loại thông qua giáo dục. Mặc dù đó chỉ là sự gợi mở, nhưng hết sức quý giá.
Về chủ trương thực học: Theo ông, việc học tập là: “Học những gì chưa biết để đem ra thực hành. Đó là thực hành những gì thực tế trước mắt và còn để lại lợi ích cho đời sau nữa”. Ông đã đề ra một chương trình cải cách giáo dục toàn diện và cho rằng đó chính là điều kiện để thực thi một nền giáo dục thực học. Ông đề nghị khuyến khích các trường quốc học, trường tỉnh, trường tư thục đều dạy những điều thiết thực. Khi ra câu hỏi nên tập trung vào những vấn đề hiện tại như: luật, binh, hình, binh quyền, chính trị… Bài thi nào phân tích rõ ràng, chính xác hợp thời thì được coi là trúng cách, còn những chuyện cũ, văn chương, sách vở thánh hiền thì được cho là thứ yếu. Trong chương trình giáo dục mới, theo Nguyễn Trường Tộ, cần phải có sự kế thừa và phát triển. Ông cho rằng, học cái mới, cái thực dụng “không phải là muốn bỏ hết cái cũ”, trái lại “phải lấy cái hay của mình có sẵn, còn phải gồm cả cái hay của thiên hạ mới sáng tạo ra. Ông chỉ ra cần phải đặt ra các môn khoa học thực dụng như: Khoa Nông chính, Thiên văn và Địa lý, khoa Công nghệ và khoa Luật học. Với quan điểm về mục đích của việc giáo dục, có thể nói Nguyễn Trường Tộ đã đặt cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa người dạy và người học, học đi đôi với hành.
Về học tập nền giáo dục phương Tây: Trong tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ, ông chỉ ra sự cần thiết của giao lưu về văn hóa giữa Việt Nam với các nước khác nói riêng và giữa phương Đông với phương Tây nói chung. Điều này chứng minh cho sự cần thiết phải mở cửa thông thương và học tập. Ông đề nghị gửi học sinh sang Singapore để học sinh ngữ, một việc làm đòi hỏi sự chi phí tốn kém gấp nhiều lần việc gửi học sinh vào học tại trường thông ngôn ở Sài Gòn. Nền giáo dục phương Tây dưới cái nhìn của Nguyễn Trường Tộ là “mô hình tốt đẹp, nên học tập”, “họ biết lấy những thực tế của tạo vật ra mà học”, nhưng ông nhấn mạnh: “Học phương Tây là học kỹ thuật, tài nghệ, văn minh của họ chứ không phải học tập phương Tây với tinh thần nô lệ, tự ti”. Chủ trương học tập nền giáo dục phương Tây của Nguyễn Trường Tộ chủ yếu tập trung vào học kỹ thuật hơn là học tập các khoa học cơ bản của phương Tây. Nhưng nguồn gốc của chủ trương này xuất phát từ thực tế của đất nước đang rơi vào “thế bốn bề bị ép”, nhu cầu cấp bách của đất nước là cần các nhà kỹ thuật để khám phá, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu bảo vệ đất nước, trước nguy cơ chủ nghĩa thực dân xâm chiếm là một điều cần thiết.
Có thể nói rằng trong tư tưởng về giáo dục, Nguyễn Trường Tộ chủ yếu tập trung vào việc khắc phục hạn chế, bổ sung những mặt thiếu sót của giáo dục đương thời, nhằm nhấn mạnh tính cấp thiết phải cải biến cho hợp với thời đại. Ông chưa đưa ra được một đường lối, chiến lược giáo dục mang tính tương đối đầy đủ và lâu dài. Đó cũng là do sự hạn chế của thời đại. Tuy nhiên, những gì mà Nguyễn Trường Tộ nêu ra trong tư tưởng về giáo dục của mình, có những quan điểm mang tính định hướng mà cho đến nay, mặc dù đã hơn 1 thế kỷ trôi qua, chúng ta vẫn đang kế thừa và phát triển.
Mai Phương