Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Một nhà lãnh đạo nhân cách lớn

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh ngày 25-12-1933, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, T.P Hồ Chí Minh. 14 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng, 16 tuổi trở thành đảng viên Cộng sản. Tập kết ra miền Bắc năm 1954, vừa công tác, ông vừa được học tập, đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước, trở thành Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND T.P Hồ Chí Minh, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ và từ tháng 9-1997 đến tháng 7-2006, ông giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ. Đó là những năm tháng khủng hoảng tài chính châu Á, kinh tế khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, năm 2000 đạt 6,8%, GDP bình quân đầu người với 396 USD, ổn định mà không gây ra những vấn đề lớn như nợ công, nợ xấu. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chịu nghe, nghe thật tình và đúc kết, điều chỉnh, ứng dụng vào việc điều hành Chính phủ nên những nhà trí thức mới có cơ hội thể hiện mình, đóng góp cho đất nước và nhiều người hăng hái góp sức cùng ông. Đây cũng là thời kỳ rất nhiều biện pháp cải cách được đưa ra; hệ thống luật pháp mới dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường, WTO, hàng loạt Bộ luật ra đời như: Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, xóa bỏ 268 giấy phép con những năm 1999-2000... Các Bộ luật và những chủ trương trên ra đời với tư duy và cách tiếp cận mới, kế tiếp tinh thần đổi mới vừa là dấu ấn, vừa đưa ông trở thành nhà cải cách của đất nước ta.
Về làm việc với các tỉnh, nhất là những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ kháng chiến cũ, ông thường quan tâm, đưa ra những biện pháp chăm lo đời sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, CCB, người nghèo có cuộc sống khó khăn. Sau gần hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng, ông xin về nghỉ trước một năm. Ông đã xin lỗi nhân dân, nhận khuyết điểm trước nhân dân vì không khắc phục được tình trạng tham nhũng. Đó là lời xin lỗi nghiêm túc, trách nhiệm của một nhân cách lớn.
Chuyện kể rằng, sau khi về nghỉ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn đi tìm những người bạn từng hoạt động cùng ông ở Văn phòng Tỉnh ủy Gia Định (giai đoạn 1952-1954). Trong số những người bạn ấy có ông Ngộ, cùng quê huyện Củ Chi, do được bố trí ở lại hoạt động trong lòng địch, nhưng vì bị địch o ép nên phải “nằm im”. Sau ngày giải phóng, ông Ngộ không nhận được trợ cấp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tìm được bạn, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải mới yên lòng; nay ông Ngộ cũng ngoài 80 tuổi.
Thế là từ nay, bà con xã Tân Thông Hội, mỗi sớm không còn được thấy ông lên đình hay ra nhà thờ họ để đốt nhang, rồi đi vòng vòng thăm vườn cây trái, thăm các cháu nhỏ của quê hương; không được nghe ông trao đổi, giúp đỡ khi làm đường sá đi lại, xây trường lớp, xây dựng nông thôn mới. Đình Tân Thông từ nay vắng bóng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ngồi uống trà hay cà phê đàm đạo với các bô lão, CCB, CQN thân thuộc. Đây cũng là ngôi đình được gia đình ông ủng hộ xây dựng khang trang từ nền đất cũ. Bên trong có treo đôi câu đối do chính nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải biên soạn:
“Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ
Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già”.
Xin một nén tâm nhang vĩnh biệt.
Tô Kiều Thẩm