Nguyên tắc hạn chế bệnh tiêu chảy mùa nóng
Vệ sinh tay và giữ nhà bếp sạch sẽ giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, phòng tiêu chảy.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển, xâm nhập cơ thể con người và gây bệnh. Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn và thói quen vệ sinh của người dân. Để phòng bệnh cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của Ngành Y tế:
1 Thường xuyên vệ sinh cá nhân, môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
2 Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống sôi, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như: gỏi cá, tiết canh...; chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn; các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn; hạn chế tập trung ăn uống đông người như: ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.
3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào; không đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...
4. Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế tiêu chảy:
- Vệ sinh bếp và giữ bếp sạch sẽ: Trước khi bắt đầu chuẩn bị thức ăn, hãy giữ cho bếp, dụng cụ nhà bếp như dao, thớt... sạch sẽ. Sau khi tiếp xúc với các loại thực phẩm tươi sống, cần rửa sạch chúng trước khi bắt đầu cắt, thái món ăn khác. Sau khi chế biến và nấu nướng xong thì bạn đừng quên nhiệm vụ làm sạch bếp cũng như những dụng cụ trong bếp bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn. Lưu ý không được thực hiện cùng lúc trong khi nấu nướng.
- Chú ý đến loại thực phẩm có nguy cơ cao: Cần tránh để lẫn lộn thực phẩm chưa được nấu chín với các thực phẩm đã nấu chín hoặc hoa quả tươi sống để tránh lây nhiễm chéo các vi khuẩn dễ gây tiêu chảy.
- Vệ sinh thùng rác: Rác thải sinh hoạt không nên để lâu trong nhà, đặc biệt rác tại phòng bếp, bởi các rác thải để lâu ngày trong môi trường ẩm ướt và thiếu ánh nắng là nơi các loại vi khuẩn có hại phát triển thành mầm bệnh. Vì thế, thùng rác trong nhà bạn nên chọn những loại có dung tích nhỏ, vừa để được trong không gian hạn chế, mà việc dọn dẹp đổ rác cũng diễn ra thường xuyên hơn.
- Vệ sinh bàn chải đánh răng: Theo các chuyên gia về răng miệng, bàn chải đánh răng là ổ chứa vi khuẩn nhưng nhiều người không hề hay biết. Bình thường bàn chải đánh răng được dùng 2 lần mỗi ngày. Sau mỗi lần đánh răng, nếu bàn chải không được vệ sinh sạch sẽ thì thức ăn bám ở chân lông bàn chải là nơi tích tụ vi khuẩn. Vì vậy, cần thường xuyên vệ sinh, thay mới bàn chải; vệ sinh cốc, kệ đựng bàn chải đánh răng bằng xà phòng để giảm lượng vi khuẩn bị phát tán và bám vào hộp đựng.
Tiêu chảy là bệnh phổ biến dễ gặp, những ảnh hưởng mà căn bệnh này gây ra có thể rất nguy hiểm, thậm chí là dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, mọi người cần nắm rõ phương pháp phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả.
Thành An