Nguyễn Minh Huệ - Ông là ai?
Trong số báo ra ngày 18-8-2016, Báo CCB Việt Nam có bài "Đừng làm tổn hại một thanh danh", có đề cập một vài thương binh, CCB đã có những việc làm (mà ông Huệ là một minh chứng) gây tổn hại đến những danh xưng mà xã hội tôn vinh, người đời nể trọng.
Mọi căn nguyên để ông Nguyễn Minh Huệ khiếu kiện xuất phát từ hợp đồng xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Mô (Nghệ An) giữa Công ty cổ phần phát triển năng lượng Nghệ An (EDCNA) là chủ đầu tư (về sau Công ty của ông Huệ có mua một số cổ phiếu của Nậm Mô) và TCT 36 là đơn vị thầu xây dựng. Những bất đồng về lợi ích giữa hai bên trong hợp đồng này, Báo CCB Việt Nam đã khái quát ở bài viết trong số báo ra ngày 18-8-2016, nhấn mạnh: Ban lãnh đạo TCT 36 cho rằng việc chưa thống nhất giữa hai bên A-B trong thanh quyết toán các hợp đồng về kinh tế là khó tránh khỏi, dẫn tới đến đầu năm 2016, phía EDCNA còn nợ TCT 36 hơn 50 tỷ đồng; về việc này hai bên đang bàn thảo để có sự thống nhất. Nhưng, năm 2016, TCT 36 thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của QUTƯ và BQP. Để xác định giá trị doanh nghiệp-một yêu cầu có tính nguyên tắc của cổ phần hóa doanh nghiệp, TCT 36 đề nghị EDCNA thanh toán nợ, nếu chưa thanh toán, thì xác nhận nợ. Nhưng sau một thời gian thương thảo, cả hai điều đó đều không được EDCNA đáp ứng, buộc TCT 36 phải làm một việc "cực chẳng đã" là khởi kiện EDCNA. Ngày 25-4-2016, Tòa án nhân dân TP.Vinh (Nghệ An) đã xét xử và ra Bản án số 04/KDTM-ST, quyết định buộc EDCNA thanh toán toàn bộ công trình xây dựng thủy điện Nậm Mô cho TCT 36 và thanh toán số tiền còn nợ cho TCT 36.
Không chấp nhận phán quyết của Tòa án nhân dân TP.Vinh, EDCNA có văn bản gửi lãnh đạo BQP, trong đó có những nội dung phản ánh thiếu căn cứ về TCT 36 và đồng chí Tổng giám đốc TCT, buộc Cục Điều tra hình sự BQP vào cuộc làm rõ đúng-sai, nhắc nhở Ban lãnh đạo EDCNA "...Rút kinh nghiệm, không phản ánh những nội dung kiến nghị chưa đủ căn cứ gửi Thủ trưởng BQP và các cơ quan có thẩm quyền...". Phía lãnh đạo EDCNA đã cam kết: "Chấp hành trình tự giải quyết tranh chấp của tòa án phúc thẩm, không tiến hành khiếu kiện đến bất cứ cơ quan nào khác...".
Trái với những gì EDCNA đã cam kết và vẫn biết Công ty xây dựng số 3 Nghệ An không đủ tư cách pháp nhân làm việc với TCT 36 (vì TCT 36 ký hợp đồng xây dựng thủy điện Nậm Mô với EDCNA, chứ không phải với Công ty của ông Huệ), nhưng ông Huệ lại đi theo "vết xe đổ" của EDCNA, gửi đơn thư đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, BQP... phản ánh những điều thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng đến uy tín của TCT 36 và cá nhân đồng chí Nguyễn Đăng Giáp. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu không có sự tiếp tay, "giật dây" nào đó, chắc ông Huệ không dám "coi trời bằng vung" như vậy. Thư của ông Huệ có nhiều nội dung thể hiện sự thiếu hiểu biết và ý thức luật pháp của ông rất hạn chế:
- Ông Huệ đã xúc phạm, phủ định tính pháp lý Bản án của Tóa án nhân dân TP.Vinh, khi cho rằng: TCT 36 "...Đã mượn Tòa án đưa ra một bản án theo ý mình..." và: "...Không hiểu vì cách gì mà Tòa án nhân dân TP.Vinh đã tuyên một bản án theo đúng kịch bản của TCT 36 đã đưa ra?". Ông Huệ còn cho rằng: Nguyễn Đăng Giáp khởi kiện EDCNA vì "Có người nhà làm tại Tòa án tỉnh Nghệ An muốn bẻ cong cán cân công lý". Đúng-sai trong việc này, chắc phải nhờ Tòa án nhân dân TP.Vinh và Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An trả lời? Có điều, qua nghiên cứu đơn thư của các bên và phán quyết của Tòa án nhân dân TP.Vinh, chúng tôi thấy có hai nội dung cơ bản nhất mà ông Huệ chưa nhận thức được hay cố ý không chấp nhận, để lấy cớ khiếu kiện.
Thứ nhất: Giá trị thanh quyết toán các hợp đồng ký giữa EDCNA và TCT 36 được thực hiện trên cơ sở các hạng mục xây dựng đã dược bàn giao từ hơn 3 năm nay (có biên bản nghiệm thu ngày 31-3-2013 và thỏa thuận thanh toán ngày 22-5-2014). Từ đó tới nay, công trình thủy điện Nậm Mô đã được đưa vào sử dụng, EDCNA đã khai thác thủy điện Nậm Mô, bán điện, thu tiền, nhưng không thanh toán khoản nợ hơn 50 tỷ đồng cho TCT36; cho dù viện lý do gì đi nữa thì đây cũng là việc chiếm dụng vốn của đối tác, của một doanh nghiệp quốc phòng.
Thứ hai: Bất đồng lớn nhất trong thanh quyết toán giữa EDCNA và TCT 36 là việc áp tính chi phí nhân công. Phía EDCNA yêu cầu áp dụng lương tối thiểu chung; còn TCT 36 cho rằng phải áp dụng lương tối thiểu vùng. Mặc dù đã thỏa thuận từ trước, nhưng vì "chiều" EDCNA, cả hai bên thống nhất: "Các bên làm văn bản gửi lên Viện Kinh tế-Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc điều chỉnh giá nhân công cho công trình thủy điện Nậm Mô". Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi EDCNA và TCT 36, hướng dẫn chung cho các công trình xây dựng.
Phán quyết của Tòa án nhân dân TP.Vinh ngày 25-4-2016 hoàn toàn căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Xây dựng và cơ bản nhất là căn cứ vào thỏa thuận giữa EDCNA và TCT 36 trong biên bản cuộc họp ngày 22-5-2014. Theo đó, cách tính lương nhân công của TCT 36 cho công trình thủy điện Nậm Mô (thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), áp dụng mức lương tối thiểu vùng IV là thấu tình đạt lý. Không hiểu vì lý do gì mà EDCNA lại tự phủ định những nội dung đã thỏa thuận với TCT36 trong biên bản làm việc ngày 22-5-2014? Thiết nghĩ, nếu ông Huệ và những ai có liên quan đứng sau ông, ý thức được cái lý, cái tình trong câu chuyện Nậm Mô, chắc đã không khiếu kiện, gây phiền toái, mất thời gian, công sức, chi phí cho đối tác và các cơ quan pháp luật... - Để đạt được mục đích của mình, ông Huệ đã phải viện dẫn một vài sự việc liên quan đến TCT 36 (cho dù những việc đó không dính dáng đến ông và thực chất sự việc không như ông phản ánh), qua đó đề nghị các cấp có thẩm quyền giải thể TCT 36, đưa AHLĐ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp ra khỏi Quân đội. Tôi tin rằng, một vài sự việc ông Huệ viện dẫn không làm suy giảm uy tín của TCT 36. Chỉ mới tròn 13 năm, từ một đơn vị làm ăn thua lỗ trên 100 tỷ, đang trên bờ vực phá sản, với bàn tay chèo lái của một tập thể lãnh đạo mới do đồng chí Nguyễn Đăng Giáp đứng đầu, lại được BQP quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, đơn vị đã có những bước tiến "phi mã". Từ thua lỗ, tiến tới làm ăn có hiệu quả; từ xí nghiệp phát triển thành Công ty, rồi Tổng công ty, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. TCT 36 là đơn vị tiên phong của BQP về cổ phần hóa và đã cổ phần hóa thành công. Tài chính của TCT không lành mạnh và minh bạch chắc chắn TCT 36 khó có thể thành công cổ phần hóa. TCT 36 còn thường xuyên tham gia nhiều chương trình xã hội-từ thiện, ủng hộ hàng chục tỷ đồng... Có thể ông Huệ và nhiều người lấy "gương" của Tổng công ty Xây dựng dầu khí của ông Trịnh Xuân Thanh gần đây, để suy diễn thời buổi này, người ta có thể mua được mọi danh hiệu. Tôi cũng nghĩ người ta có thể mua được danh hiệu, nhưng thương hiệu khó ai có thể mua được. Chỉ với thời gian ngắn, TCT 36 đã khẳng định được thương hiệu của mình, đó là những công trình xây dựng có chất lượng cao trong và ngoài nước; với đất Nghệ An là các công trình thủy lợi-thủy điện Môn Sơn, Bản Vẽ, Khe Bố; là Bệnh viện đa khoa Bắc miền Trung, trụ sở BCH quân sự tỉnh, đường Đông Hồi-Thái Hòa...; với cả nước là Hội trường BQP, Khách sạn 5 sao, Học viện KTQS, Học viện Quân y thuộc BQP; trụ sở các Ban của Đảng và trụ sở Văn phòng Chính phủ, Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm phát thanh - truyền hình Quân đội, Trụ sở Tổng Kiểm toán, Tổng cục Thuế... Nếu TCT 36 không có tâm, có lực, tôi tin chẳng ai giao cho 36 đảm trách những công trình đó, mà có giao chắc gì đã kham nổi!
Còn đối với cá nhân Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, là một thương binh, trưởng thành từ một lái xe Trường Sơn, với hai bàn tay trắng chèo chống gây dựng TCT 36 từ thua lỗ, yếu kém..., phát triển nhanh, mạnh, tạo dựng thương hiệu, xứng danh Anh hùng và chính Nguyễn Đăng Giáp được Nhà nước phong tặng AHLĐ trước khi đơn vị được phong tặng danh hiệu cao quý đó.
Có thể là "nhân vô thập toàn", nên với con mắt của ông Huệ, Nguyễn Đăng Giáp còn nhiều khiếm khuyết, "không thể tồn tại trong Quân đội"; nhưng nhiều người lại nhìn vị Chủ tịch HĐQT-Tổng giám đốc TCT 36 thiện cảm hơn. Xin dẫn để bạn đọc và ông Huệ hay: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: "Nguyễn Đăng Giáp là một chiến mã Trường Sơn thời đánh Mỹ, một chiến binh quả cảm trên mặt trận xây dựng kinh tế, một AHLĐ thời kỳ đổi mới"; với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Đăng Giáp là người Anh hùng "sống hết mình, hiên ngang mà thấm đẫm tình người..."; nguyên Tổng bí thư Lê khả Phiêu thân tình chia sẻ: Nguyễn Đăng Giáp chưa là Tướng của quân đội, nhưng là Anh hùng, là Tướng của nhân dân; cựu Phó thủ tướng Đồng Sĩ Nguyên đánh giá: "Nguyễn Đăng Giáp là người Anh hùng đã thử lửa"; Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng BQP từng cho Nguyễn Đăng Giáp là "Người chiến binh quả cảm trên thương trường" và Trung tướng Phạm Hồng Thanh, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Trung tướng Nguyễn Song Phi... đều đánh giá "Nguyễn Đăng Giáp xứng danh một Tổng giám đốc Anh hùng"... Nhưng, cũng thật buồn, Trung tướng P.H.M từng được TCT 36 và Tổng Giám đốc TCT giúp đỡ nhiều, nay vì mua một ít cổ phiếu của Nậm Mô, đã quay lại ký vào đơn khiếu kiện 36. Đúng là "Chợ trời thật giả đâu chân lý/ Hàng hóa lương tâm chẳng thiếu thừa!".
Trong đơn kiện của mình, ông Huệ có nói tới Trung tướng Khuất Duy Tiến và Thượng tướng Phạm Xuân Hùng như là người "bảo lãnh" cho ông. Nhưng thật thú vị, với hai vị Tướng đó, Nguyễn Đăng Giáp hoàn toàn không như ông Huệ nghĩ. Thượng tướng Phạm Xuân Hùng trên cương vị Ủy viên TƯ Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng, dự chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TCT 36 đã "thực mục sở thị" uy tín của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, mặc dù tuổi 60 vẫn được bầu vào BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 với 100% phiếu. Còn Trung tướng Khuất Duy Tiến, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội, đã tặng AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp đôi câu đối: "Tận tâm tận lực phục vụ nhân dân/ Nhân nghĩa thủy chung liêm minh chính trực". Tướng Khuất Duy Tiến còn bộc bạch: Với doanh nhân thời nay, dùng hai từ "liêm minh" ông phải cân nhắc rất kỹ, và Nguyễn Đăng Giáp rất xứng đáng với hai từ đó. Trung tướng Khất Duy Tiến cũng cho hay sau khi biết Nguyễn Minh Huệ có đơn thư kiện cáo, ông đã cho mời ông Huệ ra nói rõ phải trái và ông Huệ hứa sẽ viết đơn gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội... xin rút đơn kiện trước đây. Nhưng điều đó ông Huệ đã thực hiện chưa thì chỉ có bản thân ông biết! Còn cán bộ, công nhân viên TCT 36 đang tự hỏi Nguyễn Minh Huệ - ông là ai?
Chính Nhi