Nguyễn Cao Kỳ và tham vọng cứu nguy Sài Gòn

Trong cuốn hồi ký tạm đặt tên là “Bắc một nhịp cầu” (viết trong thời kỳ định cư ở Mỹ, chưa kịp xuất bản), Nguyễn Cao Kỳ đã chua chát bộc bạch: “Thế là sau hai năm làm Thủ tướng và bốn năm làm Phó tổng thống (Việt Nam Cộng hòa), tôi ngồi chơi xơi nước”.

Quả nhiên, thất thế trong dự định tranh cử Tổng thống với Nguyễn Văn Thiệu, năm 1973 Nguyễn Cao Kỳ rời chính trường. Không có việc gì để làm, với quân hàm thiếu tướng không quân, vẫn ở căn nhà trong căn cứ không quân trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), thi thoảng Cao Kỳ tự lái máy bay riêng đi thăm binh sĩ một vài căn cứ ở miền Nam, mà theo ông ta là “để nâng cao tinh thần của họ”. Sau năm 1973, ông dành nhiều thời gian “vui thú điền viên” về làm đồn điền tại Khánh Dương (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa).

Thế nhưng, khi Quân giải phóng khai hỏa chiến dịch Tây Nguyên, mở màn Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam, trước nguy cơ chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ hoàn toàn, thì bản năng hiếu chiến, “chống Cộng khét tiếng” (lời của chính của Nguyễn Cao Kỳ), lập tức trỗi dậy: “Cộng sản mở đầu trận tấn công ồ ạt của họ bằng một cuộc hành quân nhưng rất có ý nghĩa, khi cho du kích đột kích một tiền đồn nhỏ trên quốc lộ 21 giữa Nha Trang và Ban Mê Thuột. Tiền đồn này là tiền đồn đầu tiên bị thất thủ, chỉ cách đồn điền của tôi ở Khánh Dương chưa đầy 40 dặm. Hôm đó, tôi đang có mặt ở đồn điền và khi được tin, tôi lập tức đi máy bay về Sài Gòn để báo cho những người lãnh đạo quân đội biết rằng cuộc hành quân nói trên báo trước một kế hoạch của Cộng sản tấn công cao nguyên, và có thể là Ban Mê Thuột”,

Sau “dự đoán” ban đầu này, Nguyễn Cao Kỳ còn khẳng định Quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn không bất ngờ việc Quân giải phóng mở màn chiến dịch Tây Nguyên bằng đòn tiến công Ban Mê Thuột: “Lúc tướng Timmes của CIA đến gặp tôi, tôi hỏi ông ta liệu Mỹ và Thiệu có biết rằng Ban Mê Thuột đang bị đe dọa không? Cả Timmes và tướng Cao Văn Viên - Tổng tham mưu trưởng đều nói với tôi rằng họ có đầy đủ tin tức về kế hoạch đánh chiếm Ban Mê Thuột của Cộng sản… Tôi thuật lại những chi tiết này vì nó chứng tỏ rằng quân đội chúng tôi không hề bị bất ngờ ở Ban Mê Thuột. Người Mỹ và Thiệu đã biết được chiến lược của Cộng sản cả tháng trước khi Cộng sản chuyển quân…”.

Tạm không bàn đến “cái khôn nói sau” của các bại tướng, chỉ thấy trong cơn giãy chết của chế độ Sài Gòn, Nguyễn Cao Kỳ đã thể hiện tư tưởng chống Cộng điên cuồng của mình. Uất hận khi Buôn Ma Thuột thất thủ, Nguyễn Cao Kỳ đã tới gặp Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam cộng hòa - Cao Văn Viên, đề nghị: “Chọc thủng phòng tuyến của Cộng quân từ quốc lộ 21, gần đồn điền của tôi. Tôi tin chắc rằng nếu tập trung pháo binh và không quân cùng với 2 trung đoàn nhảy dù hay biệt động quân thiện chiến thì chỉ cần 2 ngày là có thể chiếm lại Ban Mê Thuột. Tôi tình nguyện chỉ huy trận đánh này và tướng Viên cũng đồng ý là kế hoạch của tôi có thể thực hiện được. Nhưng than ôi, nó đã bị Tổng thống Thiệu bác bỏ!”.

Hòng cứu nguy Sài Gòn, Cao Kỳ đã tính đến chuyện đảo chính lật đổ Nguyễn Văn Thiệu để có một chính phủ mạnh do ông ta cầm đầu, có hiệu lực để tổ chức chiến đấu chống Cộng sản: “Mỗi ngày qua đi, tin tức lại xấu thêm, vì thế tôi đã nghĩ đến chuyện đảo chính, nhưng thực tế đã bảo tôi là “Không thể được”. Khi Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn - Martin hỏi đã suy nghĩ về việc thành lập một chính phủ mới chưa, Cao Kỳ trả lời rằng có, và “Nếu chúng tôi có được một chính phủ như tôi mong muốn, chỉ trong ít ngày tôi có thể tổ chức kháng chiến có hiệu quả…”. Cao Kỳ còn cho Đại sự Martin biết rằng, mặc dù thất thủ Đà Nẵng, mất vào tay Quân giải phóng kho vũ khí trang bị khổng lồ, nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn đủ vũ khí để chiến đấu trong ba tháng để “tạo ra một không khí mới, giúp chúng tôi trong thế mạnh khi thương thuyết hòa bình”.

Cao Kỳ cũng cho Martin biết nếu được trở lại cầm quân, ông ta sẽ dựng nên một tuyến phòng thủ cho Sài Gòn từ xa. Trải tấm bản đồ quân sự luôn mang bên mình, Cao Kỳ vạch một đường cắt ngang ngay phía bắc vịnh Cam Ranh, khoảng vĩ tuyến 13, rồi nói với Martin: “Chúng tôi phải chặn đứng Cộng sản ở đây. Tôi đưa đầu bút chì đi theo đường vạch và nói: Nếu chúng tôi có thể cầm chân địch ở đây, đồng thời có một ban lãnh đạo mới và mạnh, một bầu không khí mới, thì tôi cam đoan với ông là khi ấy chúng tôi ở trong thế mạnh để tiến hành thương thuyết hòa bình với quân thù”.

Cao Kỳ còn cho Martin biết là nhiều sĩ quan thất trận ở Đà Nẵng chạy về Sài Gòn, đã đến nhà ông ta cho biết đang khao khát phục thù.

Vốn là Tư lệnh không quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Cao Kỳ biết quân ngụy được Mỹ cung cấp một số lượng lớn bom nặng 5 tấn có sức phá hủy mạnh, có cả bom CPU (một loại bom nhiệt áp dạng chùm, có sức hủy diệt khủng khiếp nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam), nên ở thế cùng, chẳng còn gì mất, ông ta đã mách nước cho không quân Sài Gòn sử dụng loại bom này chặn đánh Quân giải phóng ở Xuân Lộc. Hãy nghe ông ta tự hào về tội ác của mình: “Tại Xuân Lộc, ở phía đông bắc Sài Gòn, quân đội của chúng tôi đã cầm cự một cách anh dũng…, và ít nhất hệ thống tin mật của riêng tôi cũng đã góp phần tiêu diệt một số quân địch. Số là tôi được tin chúng tôi hiện có trên đất Nam Việt Nam một số quả bom loại 5 tấn chưa dùng đến. Trước đây, Nam Việt Nam chưa từng được viện trợ loại bom nào lớn và có sức phá hủy mạnh như thế…, và quả bom đầu tiên loại đó đã đươc thả xuống Xuân Lộc.

Việc làm của chúng tôi không làm thay đổi được kết quả cuộc chiến, nhưng có lẽ một vài người trong chúng tôi cũng cảm thấy phần nào thỏa mãn với thành tích khiêm tốn của chính mình là đánh bại được đối tượng mà chúng tôi căm thù, dù rằng đã quá trễ…”*.

(còn nữa)

Duy Nguyễn

___________

*Các đoạn trích đặt trong ngoặc kép, được dẫn từ bản thảo hồi ký “Bắc một nhịp cầu” của Nguyễn Cao Kỳ.