Nguy hại từ đồ uống có đường

Theo Tổ chức Y thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm nước ngọt không chứa cồn (có ga hoặc không có ga), nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ (dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột), nước pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn uống liền, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, mắc đái tháo đường type 2, tim mạch...

Bệnh dễ gặp khi dùng nhiều đồ uống có đường

Đồ uống có đường là dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng Tiêu thụ đồ uống có đường có thể dẫn đến:

Béo phì: Người lớn uống một cốc đồ uống có đường trở lên mỗi ngày có nguy cơ thừa cân hoặc béo phì cao hơn 27% so với những người bình thường.

Bệnh tiểu đường: Người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên, một đến hai lon mỗi ngày hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 26% so với những người ít khi tiêu thụ những đồ uống này. Những rủi ro còn lớn hơn đối với những người trẻ tuổi.

Sâu răng: Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường nguy cơ sâu răng ở trẻ em rất cao, dễ bị sâu răng ở người lớn. Sâu răng không được điều trị có thể dẫn đến đau, nhiễm trùng và mất răng.

Bệnh tim: Người uống một lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong do đau tim cao hơn 20% so với những người đàn ông ít khi uống đồ uống có đường.

Với nhiều nguy cơ gây ra các căn bệnh nguy hiểm, việc kiểm soát chế độ ăn uống và sử dụng đồ uống có đường với tần suất thích hợp là điều mà mỗi chúng ta cần thiết lập và xây dựng để bảo vệ sức khỏe.

Mức khuyến nghị dùng đường trong khẩu phần ăn hằng ngày

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày. Tương đương việc sử dụng 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em. Trẻ em từ 2-18 tuổi, tiêu thụ đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần; đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Tuy nhiên, hiện nay trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của WHO. Còn qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy, 62,86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát có đường. Để tránh các mối nguy hiểm thầm lặng từ đồ uống có đường đối với sức khoẻ, người dân chúng ta cần giảm tiêu thụ đồ uống có đường ngay từ hôm nay.

Cách giảm tiêu thụ đồ uống có đường

Đầu tiên, người dân nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Cần hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…), đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, siro… Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ. Nên ăn trái cây ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay trái cây sấy khô.

Thành An