Nguy cơ “sóng dữ” trên Biển Đỏ
Biển Đỏ (Red Sea) trên bản đồ khu vực bán đảo Ả-rập.
Từ gần 2 tháng nay, các cuộc công kích qua lại giữa các lực lượng Mỹ - Anh và Houthi đang leo thang thành cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng”, gây nguy cơ thổi bùng “sóng dữ” trên Biển Đỏ.
Houthi là ai?
Houthi là phong trào chính trị - quân sự của những người theo nhánh Zaidi thuộc dòng Hồi giáo Shiite chiếm khoảng 25% dân số Yemen. Ra đời vào thập niên 90 và có tên chính thức là Ansar Allah (“Người bảo vệ Thượng đế”). Từ năm 2004, phong trào được đặt theo tên của nhà lãnh đạo tinh thần Hussein al - Houthi sau khi ông này phát động cuộc nổi dậy chống chính quyền T.Ư và bị giết. Người em Abdul al - Houthi lên thay anh mình tiếp tục chiến đấu chống lại chính phủ Yemen trong khoảng 2 thập niên và hiện kiểm soát vùng tây bắc và thủ đô Sana đất nước này.
Houthi xây dựng hệ tư tưởng của mình trên cơ sở phản đối Israel và Mỹ, coi mình là một phần của “trục kháng chiến” (cùng với Phong trào Hamas ở dải Gaza và Hezbollah ở Li-băng) do Iran lãnh đạo. Chính vì vậy, ngay khi nổ ra cuộc chiến Israel - Hamas vào ngày 7-10-2023, Houthi tuyên bố ủng hộ Hamas và đến cuối tháng 11-2023, bắt đầu tấn công các tàu ở Biển Đỏ mà họ cho rằng đang hướng tới hoặc rời các cảng của Israel (trừ tàu Nga và Trung Quốc). Đến đêm 11-1-2024, Mỹ, Anh phát động đợt không kích đầu tiên vào các mục tiêu quân sự của Houthi ở Yemen, chính thức mở ra mặt trận đối đầu quân sự mới với nhóm vũ trang này. Đáp lại, Houthi tấn công trực diện vào các tàu Anh - Mỹ hành trình trên Biển Đỏ.
Đáng chú ý, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố không tham gia tấn công vào lực lượng Houthi để “tránh xung đột leo thang”. Họ chủ trương thực hiện các chuyến tuần tra riêng, hoạt động độc lập và hầu như không liên quan đến gì đến các cuộc tuần tra trên Biển Đỏ do Mỹ, Anh tiến hành.
Tại sao Biển Đỏ?
Biển Đỏ là một vịnh thuộc Ấn Độ Dương, nằm giữa châu Á và châu Phi. Biển Đỏ dài khoảng 1.900 km, phía bắc tiếp giáp vịnh Aqaba, vịnh Sinai và vịnh Suez nối vào kênh đào Suez; phía nam tiếp giáp vịnh Aden và đổ ra Ấn Độ Dương. Nếu đi từ Ấn Độ Dương qua vịnh Aden, vào Biển Đỏ rồi vượt kênh Suez, tàu thuyền sẽ đến được Địa Trung Hải và hướng đến châu Âu.
Với vị trí chiến lược như vậy, Biển Đỏ giúp tàu thuyền đi từ châu Âu ra Ấn Độ Dương mà không cần vòng qua châu Phi. Tính chung, mỗi năm có khoảng 20.000 tàu thuyền chiếm khoảng 15% tổng lưu lượng tàu thuyền trên thế giới qua lại Biển Đỏ; 15% thương mại thế giới và 20% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển toàn cầu phải đi qua Biển Đỏ và kênh Suez.
Từ khi xảy ra xung đột trên Biển Đỏ, các hoạt động giao thông hàng hải ở đây đã giảm 22% mỗi tháng. Tệ hại hơn, khi các tàu thuyền phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi để lên phía bắc, thời gian sẽ tăng từ 31 lên 40 ngày kéo theo gia tăng chi phí về người và nguyên liệu, thì giá cả hàng hóa sẽ tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tổng sản lượng xuất nhập khẩu qua kênh đào Suez (ước đạt 154 tỷ euro năm 2023) cũng như nền kinh tế toàn cầu. Các nước EU cũng lo ngại giá khí đốt tăng cao liên quan đến vấn đề Biển Đỏ có thể khiến khối này lại rơi vào khủng hoảng năng lượng và kinh tế.
Theo các nhà quan sát, Mỹ - Anh sẽ khó duy trì biện pháp quân sự trong thời gian dài do các loại tên lửa được họ sử dụng trị giá cao hơn hàng trăm lần các máy bay không người lái của Houthi. Trong khi, Houthi sở hữu số lượng lớn tên lửa diệt hạm được phóng từ bệ phóng di động, lại được sự ủng hộ của Iran và các nhóm chống Mỹ khác. Trong tình hình đó, chỉ đạt được ngừng bắn lâu dài giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza mới có thể giúp giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng Biển Đỏ hiện nay.
Đăng Song