Nguy cơ nổ lớn từ “quân pháo” Hezbollah

Lực lượng Hezbollah trong một cuộc tập trận.

Chỉ một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 7-10-2023 của Hamas vào Israel, từ miền nam Liban, để “chia lửa với Hamas”, lực lượng Hezbollah bắt đầu các cuộc tấn công liên tục xuyên biên giới nhằm vào Israel, buộc Israel phải rơi vào tình trạng xung đột ở cả hai đầu đất nước.

Hezbollah (Héc-bô-la) là một tổ chức chính trị - vũ trang của người Liban theo đạo Hồi dòng Shiite, do lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thành lập năm 1982 như một phản ứng trước việc Israel xâm lược Liban nhằm đẩy Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra khỏi Liban. Từng đóng vai trò chính trong việc đánh đuổi Israel ra khỏi miền nam Liban vào năm 2000, Hezbollah được đánh giá là đảng chính trị lớn nhất, có lực lượng vũ trang hữu hiệu nhất ở Liban, đồng thời là một trong những lực lượng vũ trang phi chính phủ có tiềm lực mạnh hàng đầu trong các quốc gia Arab với cơ cấu nội bộ vững mạnh cũng như kho vũ khí lớn gồm 150.000 tên lửa dẫn đường chính xác. Hezbollah cũng hỗ trợ phát triển các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Iraq, Yemen và Syria như một “người anh cả” của các nhóm này.

Hezbollah nhận được hỗ trợ từ cả Iran và Syria nên Israel coi nhóm này là kẻ thù “không đội trời chung”. Đối với Hamas, dù có những bất đồng với phong trào này, song Hezbollah luôn sẵn sàng bảo vệ Hamas do cả hai đều chống Israel; hơn nữa, nếu Israel nắm quyền kiểm soát dải Gaza có thể làm tổn hại đến uy tín của Hezbollah và thất bại của Hamas sẽ là một đòn giáng mạnh vào Iran - quốc gia tài trợ chính cho Hezbollah.

Về phía Mỹ, dù coi Hezbollah là tổ chức khủng bố (tổ chức này từng thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Mỹ tại Trung Đông), tuy nhiên, trong tình hình chính trị nội bộ hiện nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng để tránh một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah, bởi khi đó, muốn hay không Washington cũng sẽ trở thành một bên tham chiến.

Điều oái oăm nằm ở khả năng rất hạn chế của Mỹ trong việc tác động đến Israel trong việc giải quyết “vấn đề Hezbollah”. Bất chấp việc đang vướng vào cuộc xung đột với Hamas ở Gaza, Israel vẫn duy trì lập trường cứng rắn qua việc yêu cầu Hezbollah rút về sông Litani - cách biên giới Israel 50km. Chính phủ Israel cũng đã quyết định sơ tán khoảng 80.000 người Israel khỏi các thị trấn ở phía Bắc để đề phòng trường hợp leo thang căng thẳng lớn. Về phần mình, đương nhiên là Hezbollah không những bác bỏ yêu sách của Israel mà còn muốn Israel giảm quy mô lực lượng ở biên giới - điều mà Israel sẽ không đáp ứng. Ban lãnh đạo Hezbollah từng tuyên bố chỉ đồng ý ngừng giao tranh với Israel một khi có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza.

Thời gian trôi qua, các nỗ lực ngoại giao của Mỹ đã tỏ ra không có kết quả. Cho đến nay, cuộc giao tranh qua biên giới kéo dài 7 tháng giữa Israel và Hezbollah đã khiến khoảng 15 người Israel và 340 người phía Liban thiệt mạng - phần lớn là thành viên Hezbollah; hàng chục nghìn người dân Liban và Israel phải rời bỏ nhà cửa. Chính phủ Liban cáo buộc Israel đang tìm cách thiết lập "một vùng đệm trên thực tế" bằng cách phá hủy hàng  loạt vật che khuất (như cây cối) để xóa bỏ nơi trú ẩn của Hezbollah. Đặc biệt, không quân Israel ném bom ngày càng xa hơn về phía bắc vào các khu vực đông dân cư của Liban. Và nếu Israel giành chiến thắng ở Gaza, họ sẽ tập trung sự chú ý sang việc giải quyết vấn đề an ninh ở phía Bắc với Hezbollah, bởi đây là một vấn đề mang tính sống còn đối với Tel Aviv.

Ngày 1-4, quân đội Israel thực hiện cuộc không kích vào lãnh sự quán Iran tại Syria khiến 7 thành viên Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng. Để đáp trả, phía Iran có thể thúc giục Hezbollah tăng cường các đợt tấn công vào Israel. Điều này sẽ dẫn đến một chiến dịch trên bộ ở Liban và gây nguy cơ bùng phát xung đột toàn diện ở khu vực Trung Đông.

Đăng Song