Nguy cơ mất dần Lễ bỏ mả ở Tây Nguyên

Lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Ba Na.Đây là lễ hội mang tính tổng hợp văn hóa nghệ thuật, là dịp sinh hoạt văn hóa cổ truyền đặc sắc với nhiều hoạt động hội tụ các giá trị tâm linh. Sau khi mai táng người chết được từ một đến tám năm, người ta tiến hành làm lễ bỏ mả: Chặt cây to làm hàng rào, đẵn gỗ để đẽo tượng dựng quanh nhà mồ: Tượng người, voi, chó, trâu, bò, cảnh giã gạo, săn bắn...

Người chết già thì tạc tượng ốm yếu, ngồi chống cằm, hay ngồi suy tư hút thuốc... Trẻ em chết thì tạc trẻ vui đùa. Thanh niên chết thì thường tạc tượng đứng. Tượng chim công làm vui linh hồn của người chết. Tượng ngà voi ngợi ca sức mạnh, lòng dũng cảm của người khi còn sống, và là vũ khí bảo vệ cho linh hồn. Tượng phồn thực đàn ông, đàn bà giao hoan ngụ ý mong con cháu ngày càng nhiều...

Lễ bỏ mả có thể tiến hành từ ba đến bảy ngày. Ngày đầu tiên của lễ bỏ mả gọi là ngày cuốc dọn, “báo cho hồn ma” biết chuẩn bị làm lễ. Dân làng đem cồng chiêng ra đánh bài chiêng ma. Ngày thứ hai, làm nhà mồ mới. Dựng nhà mồ xong, mọi người quây quần bên mộ mới ăn uống, trò chuyện và vui chơi cho tới tận khuya. Ngày hôm sau gia đình cùng dân làng đem rượu, thịt tới khu mộ ăn uống, chia tay với người chết; đem đồ đạc chia cho người chết, cho cả cây trồng như ngô, chuối, mía, lúa...

Ngày bỏ mả, buổi sáng, trâu bò được dắt ra nhà rông của làng làm thịt. Đến trưa, gia đình đem thịt rượu ra nhà mồ cúng. Khi dân làng và khách các nơi đã đến đông đủ thì lễ thức tiễn đưa được tổ chức. Người thân của gia đình vào nhà mồ đọc lời cúng bỏ mả và khóc than lần cuối. Cồng chiêng bắt đầu nổi, mọi người đứng dậy và bắt đầu màn trình diễn nghệ thuật tổng hợp đặc sắc. Biểu diễn cồng chiêng, múa, rối và biểu diễn mặt nạ...

Làm lễ tiễn đưa xong, người ta tiến hành nghi lễ tẩy rửa. Cồng chiêng chuyển sang những bài nhạc vui. Dân làng đưa nhân thân của người chết ra suối tắm rửa, mặc quần áo mới rồi cùng nhảy múa. Đây là cuộc tiễn đưa đầy tiếc thương của người sống dành cho người chết và cũng là ngày hội vui. Sau đó gia đình của người chết làm cơm rượu đãi những người đã làm nhà mồ và làm lễ tạ ơn các thần...

Hiện nay, lễ bỏ mả đang dần mai một trong cuộc sống hiện đại. Thiết nghĩ các cấp, ngành có liên quan cần nghiên cứu để bảo tồn “Lễ bỏ mả” vừa phù hợp với đời sống mới, vừa giữ được nét đẹp của văn hóa truyền thống.

Phạm Văn Hà