Nguồn vốn ủy thác & nguồn vốn nội bộ: Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách với nguồn lực của CCB

CCB Lý Trọng Vinh (T.P Lai Châu, tỉnh Lai Châu) phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế, T.Ư Hội CCB Việt Nam khẳng định: “Thời gian qua, Hội CCB các cấp quán triệt mục đích, ý nghĩa của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, từ đó phát huy ý chí và tiềm năng đa dạng của hội viên, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực để giúp CCB chủ động, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến tiếp tục được duy trì, nhân rộng và xuất hiện thêm nhiều mô hình mới cho hiệu quả cao”.

Để giúp nhau giảm nghèo và phát triển kinh tế, việc huy động các nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định đến sự thành bại của phong trào. Vì vậy, Hội CCB các cấp đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để hướng dẫn hội viên nhanh chóng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác của toàn Hội từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH đạt 41.015 tỷ đồng, tăng 3.046 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Ngoài ra, các cấp Hội còn khai thác nguồn vốn vay của các các tổ chức tín dụng khác, vốn do hội viên đóng góp và vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm của T.Ư Hội CCB Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của CCB đã phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả. Hiện nay, toàn Hội có 8.350 doanh nghiệp, 1.604 hợp tác xã, 3.265 tổ hợp tác, 174.240 trang trại, gia trại do CCB làm chủ.

Hiệu quả từ các nguồn vốn vay  có yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả cuối cùng, chính là các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bằng sự tận tâm vì hội viên và nhân dân, cán bộ trong Tổ là những hội viên CCB có trách nhiệm và uy tín, luôn lấy hiệu quả công việc là động lực và yêu cầu đạt đến.

Điển hình như Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn, Thuận Bắc, Ninh Thuận) do CCB Nguyễn Văn Huế làm Tổ trưởng. Dư nợ của Tổ hiện đang quản lý là 2,85 tỷ đồng với 59 hộ vay vốn, giúp 11 hộ thoát nghèo và 8 hộ thoát cận nghèo trong 6 năm qua. Còn Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1 (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) có CCB Đỗ Giang Vũ làm Tổ trưởng đạt dư nợ là 4,472 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tổ đã phát triển 11 tổ viên với số tiền 832 triệu đồng/năm. Còn CCB Nguyễn Thanh Tỏ - Chủ tịch Hội CCB huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thì trao đổi kinh nghiệm,ông khẳng định, do có 64 Tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động nhiệt tình, “đều tay” đã giúp nguồn vốn ủy thác của Hội CCCB huyện đến cuối năm 2020 nợ quá hạn gần bằng 0% tương đương 1 triệu đồng trên tổng dư nợ ủy thác là 69,446 tỷ đồng.

Tuy số tiền đóng góp không lớn, nhưng nguồn vốn xoay vòng đã trở thành “điểm tựa” giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, góp phần nâng cao hiệu quả của các nguồn vốn tín dụng chính sách. Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhiều mô hình giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế được triển khai, như:  Mô hình “3+1”, Hội CCB huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vận động mỗi hội viên tiết kiệm 3 ngày 1.000 đồng, một tháng 10.000 đồng, một năm 120.000 đồng để tạo nguồn quỹ giúp hội viên vay vốn với lãi suất thấp.

Kết quả, đến tháng 5-2021, Quỹ “3+1” của huyện Thạch Thành đạt gần 9 tỷ đồng. Mô hình “5+1”, “10+1” của Hội CCB tỉnh Bạc Liêu (5 hoặc 10 hội viên trong tổ đóng góp vốn để cho hội viên CCB nghèo mượn), cùng với định hướng, hướng dẫn cho hội viên đó sử dụng số vốn mua cây - con giống về chăn nuôi, hoặc mua phương tiện lao động…

Có thể khẳng định, phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong cuộc sống của hội viên CCB trong cả nước.

Thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, việc tạo thuận lợi cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn nội bộ rất cần thiết, giúp hội viên CCB trong cả nước có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống; động viên hội viên giúp nhau phát triển sản xuất, tham gia hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hồ Thanh Hương