Người Việt Nam viết tên lên vũ trụ (28/11/2011)
Vệ tinh trên mang tên F-1 CubeSat. Người gửi truy cập vào địa chỉ: https://mail.fpt.com.vn/exchweb/bin/redir.asp?URL=http://fspace.edu.vn/?page_id=31, sau đó điền tên, e-mail và lời nhắn của mình. Tất cả tên và lời nhắn gửi qua trang web sẽ được ghi vào một thẻ nhớ microSD. Thẻ nhớ này sẽ được gắn lên trên vệ tinh F-1 trước khi gửi ra nước ngoài để thử nghiệm lần cuối. Sau đó, tất cả sẽ được chuyển ra bãi phóng, lắp ghép lên tên lửa được đẩy và phóng lên quỹ đạo.
Hiện FPT Space gấp rút hoàn thành việc đàm phán với đối tác nước ngoài về việc thuê phóng F-1. Dự kiến, F-1 sẽ được phóng vào tháng 2/2012.
Vệ tinh F-1 được FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ năm 2009, với mục tiêu là phải “sống” được trong không gian ít nhất một năm và phát tín hiệu về trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây.
Nếu các yêu cầu này được hoàn thành, vệ tinh mới được thử nghiệm các tính năng phức tạp hơn như chụp ảnh độ phân giải 1 megapixel hay tốc độ truyền tin được tăng lên 9.600 bit/giây…
Trên thế giới, việc chế tạo vệ tinh rất phát triển, nhưng với Việt Nam đây vẫn là lĩnh vực rất mới. Do đó, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, nếu thành công, FPT sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước chế tạo thành công vệ tinh nhỏ, mở ra hướng phát triển ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.
Trước đó, tháng 4/2008, vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam đã được thuê phóng thành công lên quỹ đạo. Đầu năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý để VNPT làm chủ đầu tư dự án Vinasat-2 (tổng đầu tư 290-350 triệu USD), dự kiến phóng lên quỹ đạo năm 2012.
Ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ ở Việt Nam đang có tốc độ phát triển mạnh. Trong báo cáo tổng kết 5 năm thành lập Viện Công nghệ vũ trụ, tiến sĩ Doãn Minh Chung, Viện trưởng Công nghệ vũ trụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết, định hướng hoạt động của Viện đến năm 2020 sẽ làm chủ công nghệ nhỏ quan sát trái đất, khai thác các dịch vụ gia tăng về ứng dụng dữ liệu vệ tinh; đưa ứng dụng công nghệ vào phục vụ rộng rãi và thường xuyên các nhu cầu kinh tế - xã hội trong sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng,… đạt tầm cỡ trung bình khá khu vực.
Đến năm 2030, Viện sẽ tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, góp phần đưa công nghệ vũ trụ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nước nhà, đưa trình độ KHCN về vũ trụ của Việt Nam đạt tầm cỡ ngang các viện nghiên cứu hàng đầu về công nghệ vũ trụ của các nước và khu vực.
Quỳnh Anh (TH)