Người tử tế quanh ta
Khó khăn, thiếu thốn thế mà khi biết nhà mình nằm trong chỉ giới mở rộng đường, cả hai anh em bàn với vợ con và đều thống nhất hiến đất mà không đòi hỏi đền bù. Tính ra, số đất nhà anh Thắng hiến tặng là 30m2; nhà anh Lợi 20m2. Chạy dài mỗi nhà chừng 25m mặt tiền. Đất của bố mẹ để lại cho, địa thế rất đẹp, tính ra tiền phải chừng hơn 2 tỷ đồng.
Nhờ có sự hiến tặng đất của hai anh em mà nhiều hộ khác cũng tự giác hiến tặng đất, làm cho con phố được nắn thẳng, lại rộng rãi, khắc phục được cảnh trước đây cứ đến giờ đưa đón con ở Trường mầm non Đáp Cầu là bị ùn tắc giao thông do đường quá chật hẹp.
Đó là chuyện tử tế ở TP. Hà Nội. Còn ở tỉnh Bến Tre, cũng có cụ Lê Thị Hưỡn, 75 tuổi, ngụ ở 136, đường Nguyễn Thị Định, TP. Bến Tre, tự nguyện lấy nước ngọt từ giếng nhà để cho bất cứ ai thiếu nước dùng vì hạn mặn.
Việc làm tốt của cụ Hưỡn đã tạo thành phong trào “Lá lành đùm lá rách”, khuyến khích mọi người trong phường mang bồn, thùng phi, can, xô, chậu… đến góp với cụ chứa nước sẵn cho mọi người đến lấy, không phải chờ. Anh Lê Văn Phước, con trai của cụ thì đi mua ngay máy bơm để bơm nước từ giếng lên, thay cách dùng gàu như lúc trước, thuận tiện cho bà con tới lấy nước.
Chính quyền địa phương đến cám ơn, biểu dương lòng tốt của cụ. Cụ bảo “Chuyện nhỏ xíu, có gì mà biểu dương”!
Kể lại trên số báo đầu năm hai câu chuyện tử tế, trong rất nhiều những câu chuyện tử tế khác trên đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta mà tôi chưa có dịp đề cập đầy đủ được, như một điều lành giúp mỗi chúng ta thêm ấm lòng.
Chúng ta cảm ơn họ, cảm ơn những việc làm tử tế của họ. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi những việc làm tử tế ấy được ngày một nhân rộng.
Vũ Quốc Bình