Người trong độ tuổi lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Nên hay không?
Người lao động cần cân nhắc khi đưa qua quyết định nhận BHXH một lần.
Thời gian gần đây, xu hướng người lao động nhận Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ngày càng gia tăng và đang duy trì ở tỷ lệ cao hằng năm. theo Bộ LĐTBXH, nếu như năm 2006 là 3,82%, thì năm 2016 là 4,7%, đến năm 2020 đã lên tới 5,57%. Nhất là năm 2020, dịch bệnh kéo dài, gây đứt gãy nguồn thu nhập của người lao động nên số người đăng ký rút BHXH một lần tăng đột biến.
Ðáng lo ngại hơn, đối tượng hưởng BHXH một lần đang tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ tuổi. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39, chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014-2018; trong đó tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ 25 đến 29 (chiếm 27,6%), nhóm tuổi từ 30 đến 34 đứng thứ hai chiếm 25,3%; tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 đến 39 và nhóm tuổi từ 20 đến 24 lần lượt là 15,5% và 10,6%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng hưởng BHXH một lần thời gian qua, nhưng nguyên nhân chính là do cuộc sống của nhiều lao động còn khó khăn, đặc biệt là khi người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu đảm bảo đời sống sinh hoạt thiết yếu trong quá trình tìm việc làm mới. Đa số những người hưởng BHXH một lần đều không có nguồn tích lũy tài chính, nên dù biết bỏ hệ thống BHXH là tự mình tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, nhất là chế độ hưu trí, nhưng vẫn phải chấp nhận.
Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: Việc rút BHXH một lần, người lao động sẽ không được cấp miễn phí thẻ BHYT, quyền lợi hưởng BHYT; người hưởng BHXH một lần khi chết, gia đình không được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất theo quy định so với lựa chọn hình thức hưởng lương hưu. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành”, không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước.
Tình trạng gia tăng số người hưởng BHXH một lần đang đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Theo các chuyên gia, việc nhận BHXH một lần sẽ tác động đến nguồn thu nhập của người lao động khi về già. Đồng thời, điều này làm giảm ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội, không thể duy trì liên tục thu nhập cho người lao động; trong bối cảnh già hóa dân số, các tác động nói trên gây ảnh hưởng lớn hơn.
Khảo sát tiền lương cho thấy hiện nay, thu nhập của người lao động chỉ đủ để đảm bảo cuộc sống trước mắt, tích lũy chỉ đảm bảo khoảng 15%. Để người lao động mất việc coi BHXH là “của để dành”, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng cải thiện cuộc sống, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy hiệu quả chính sách Bảo hiểm thất nghiệp hơn nữa.
Hồ Thanh Hương