Người tị nạn ở Đông Nam Á đang bị bỏ rơi
Ngày 14-5, một con tàu chở khoảng 300 người Myanmar thuộc sắc tộc Rohingya đã trôi dạt cách đảo Koh Lipe (miền Nam Thái Lan) khoảng 17km, trong số này có nhiều phụ nữ và trẻ em. Những người trên tàu cho biết, họ đã ở trên biển hai tháng và không ăn gì từ một tuần nay; khoảng 10 người đã chết trong chuyến đi, xác bị ném xuống biển. Một tấm bạt lớn được căng ra trên tàu để che nắng. Hầu hết người tị nạn đều gầy yếu.
Thái Lan đã cấp cho họ thực phẩm và nước. Hải quân Thái Lan nói những người tị nạn không muốn vào Thái Lan vì chỉ muốn đến Malaysia hay Indonesia.
Lo ngại thuyền nhân tị nạn, Malaysia và Indonesia cũng đã quyết định đẩy đuổi tất cả tàu chở người tị nạn ra biển. Ngày 14-5, hải quân Malaysia cho biết đêm hôm trước đã chặn con tàu chở khoảng 600 người giữa các đảo Penang và Langkawi, sau đó trục xuất ra biển. Hôm trước đó, hải quân Indonexia đã kéo một tàu chở 400 người tị nạn ra khơi. AFP ghi nhận với biện pháp này, vô hình trung tàu chở người tị nạn đã trở thành nhà tù nổi trên biển.
Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều nói rằng các di dân trong tình trạng tuyệt vọng không phải là trách nhiệm của họ.
Các tổ chức quốc tế khẳng định khoảng 8.000 người tị nạn, phần lớn là người sắc tộc Rohingya, đang trôi lênh đênh trên biển, nhiều người không có đủ thức ăn hay nước uống.
Các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Chính phủ các nước Đông Nam Á nên khẩn cấp mở chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn thay vì đẩy đuổi tàu. Mỹ cũng đã hối thúc các nước Đông Nam Á hành động ngay vì lo ngại sinh mạng những người tị nạn bị bỏ rơi trên biển. Ông Benjamin Rhodes, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nêu lên cảnh ngộ khốn khó của các di dân Rohingya từ Myanmar, nói rằng các quốc gia Đông Nam Á phải nỗ lực cứu mạng sống của những người tị nạn lênh đênh trên biển cũng như cải thiện các điều kiện trong nước đã góp phần vào việc họ phải di cư.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeffrey Rathke cho biết Mỹ đang làm việc với Cao ủy LHQ về người tị nạn, Tổ chức Di dân Quốc tế và các Chính phủ ở Đông Nam Á để tìm cách quản lý vấn nạn người tị nạn.
Trong một phát biểu ngày 16-5, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có một giải pháp chung để giải quyết vấn đề người tị nạn trước khi vấn đề này trở thành thảm họa. Thái Lan cũng đã đề nghị ngày 29-5 tới sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bangkok cùng 15 nước để bàn cách giải quyết làn sóng người tị nạn. Trong số này có Úc, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh, Mỹ và Việt Nam.
Tuy nhiên, trả lời hãng tin AFP, ông Zaw Htay-Giám đốc Văn phòng tổng thống Myanmar cho biết, ít có khả năng Myanmar tham dự hội nghị này. Lý do: Myanmar không chấp nhận Thái Lan mời đến chỉ để giải quyết sức ép của Thái Lan. “Nguyên nhân là nạn buôn người gia tăng… Myanmar không phải là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này. Chúng tôi không chấp nhận ai cũng đổ trách nhiệm cho Myanmar để che giấu thái độ bất lực trong giải quyết vấn đề” - ông Zaw Htay nói.
Rohingya là một nhóm dân Hồi giáo sống chủ yếu ở Myanmar và cả ở Bangladesh. Tại Myanmar, họ buộc phải lao động cưỡng bức, không có quyền sở hữu đất đai. Tại Bangladesh, người Rohingya sống trong cảnh cùng quẫn, không có giấy tờ tùy thân, không có tương lai và cũng chẳng có công ăn việc làm. Những người tị nạn Rohingya ra đi với hy vọng đổi đời, nhưng đối với họ tương lai ngày càng trở nên mù mịt, trong khi những người này lại không thể trở về Myanmar vì không được thừa nhận là công dân nước này.
Khổng Đức Bình