Người thương binh làm trang trại giỏi
Năm 1964, CCB Phan Văn Khuần, lên đường nhập ngũ rồi xung phong vào chiến trường. Trong một trận chiến đấu ác liệt, bom đạn của quân thù cướp đi chân bên phải, ông trở về quê hương với thương tật 2/4. Cuộc sống thật khó khăn, vất vả vì đều phải dựa vào người thân. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, ông tự mày mò làm chân gỗ để trợ giúp việc đi lại. Khi đã tự di chuyển được, với chút đam mê từ nhỏ, ông ra Hà Nội học nghề may. Sau đó trở về quê mở hiệu may vá để kiếm sống. Chính nghề may đã đưa ông gặp và kết duyên hạnh phúc với cô TNXP Nguyễn Thị Đạm. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn, khi 4 người con cần ăn học và nghề may không còn hiệu quả.
Sau nhiều năm lăn lộn với đủ thứ nghề mà cái khó vẫn hoàn khó, đầu năm 1991 ông bàn với vợ bỏ nghề may, đi nhận đất làm trang trại. Bước đầu vợ chồng ông nhận đất trống đồi trọc trồng các cây công nghiệp ngắn ngày với phương châm lấy ngắn nuôi dài và chăn nuôi bò. Dần dần trang trại của ông phát triển cho thu nhập tốt, có của ăn của để. Đến nay, gia đình ông có vườn rừng với tổng diện tích 12ha, trồng các loại cây: tràm, bạch đàn, thông... và một đàn bò hơn 60 con, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Trang trại vợ chồng ông bà Khuần-Đạm còn tạo việc làm, thu nhập cho một số con em đồng đội ở địa phương.
Nhìn cơ ngơi của gia đình ông ngày hôm nay, thật khó tưởng tượng nổi những khó khăn, gian khổ mà ông cùng vợ đã vượt qua. Ông kể: “Có những đêm một mình ở lại trại, đàn bò phá chuồng chạy ra ông phải thức trắng. Không ít những lần đang làm rẫy thì đôi chân lên cơn co giật, ông phải nén đau mà làm…”.
Với mô hình trang trại của mình, ông Khuần nhiều năm liền được huyện và tỉnh, các tổ chức Hội trao tặng Bằng khen, Giấy khen người nông dân, CCB làm kinh tế giỏi. 4 người con khôn lớn và thành đạt, cùng với trang trại vườn rừng ngày một phát triển, ông Khuần xứng đáng với lời Bác dạy “Thương binh tàn mà không phế…”.
Bài và ảnh: Thái Bình