Ông Nguyễn Văn Chính quê ở xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà, khi mới 19 tuổi, năm 1958, ông công tác tại Công trường xăng dầu mỡ Ô Cách (Đức Giang, Hà Nội). Lúc đó, phong trào bình dân học vụ được phát động. Vốn văn hóa khá nên ông Chính tham gia dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Suốt 6 năm vừa đi làm, vừa đi dạy, rất nhiều người được ông giúp đỡ mà nâng cao trình độ văn hóa. Đến bây giờ, ông Chính vẫn lưu giữ cẩn thận tấm ảnh Bác Hồ có chữ ký của Bác tặng chiến sĩ diệt giặc dốt do Bộ Giáo dục trao tặng vì đã có thành tích trong xây dựng phong trào văn hóa thông tin.
Nhập ngũ tháng 8-1964, ông vào Nam chiến đấu tại Sư đoàn 320, chủ yếu tại chiến trường Quảng Trị. Trong những trận chiến ác liệt, ông từng ôm bộc phá cảm tử đánh lô cốt địch và nhiều lần bị thương, hiện còn tới 7 mảnh đạn chưa gắp ra trên đầu. Năm 1973, ông xuất ngũ về làm tại Nhà máy Dệt kim đông xuân Hà Nội.
Ông nhớ mãi lần vinh dự tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng
11-1996, biết thành tích của ông, Đại tướng khen ngợi: “Chú đã làm tốt 3 điều Bác Hồ phát động năm 1946: diệt giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt”.
Hành trình tìm lại các đồng đội xưa bắt đầu từ năm 1995 và đến khi ông nghỉ hưu năm 1998 mới có thời gian toàn tâm toàn ý cho công việc đầy tính nhân văn này. Để tìm lại các liệt sĩ, ông tập hợp hàng trăm giấy báo tử, thư hay di ảnh hoặc bất cứ kỷ vật nào của liệt sĩ để xác định chiến trường, đơn vị trước lúc hy sinh hay nghĩa trang, vị trí chôn cất… Ông liên hệ với Sở LĐTBXH các tỉnh nhiều lần để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ. Ông suy đoán: nếu liệt sĩ chiến đấu ở Quảng Trị thì thường là ở Sư 304, 308 hay 320 A... hay nếu gia đình có thư liệt sĩ gửi về hòm thư 134IS hay 138IS thì chắc là chiến đấu ở K, C... từ đó làm căn cứ dò tìm thông tin từ các CCB, từ Ban liên lạc các đơn vị... đến tận các đơn vị cũ để củng cố thông tin thêm chi tiết. Sau đó ông liệt kê các liệt sĩ cùng một đơn vị, hy sinh cùng một địa danh và liên hệ với các gia đình cùng tổ chức đoàn đi tìm kiếm. Làm việc có khoa học, lại tâm sáng nên ông phán đoán khá chính xác nơi các liệt sĩ còn nằm lại để đón các anh về trong niềm vui vô bờ bến của gia đình và quê hương thuở nào đưa tiễn các anh đi.
Cứ như thế, mặc dù gia cảnh nhà ông rất khó khăn, căn nhà đang ở ông đi thuê có 20m2 tại 10B Hàng Giấy (Hà Nội) cho 10 người sinh hoạt, hầu như không có nguồn kinh phí nào tài trợ, chỉ tự mình bỏ ra từ khoản lương hưu và trợ cấp thương tật nhưng năm nào ông Chính cũng tổ chức nhiều chuyến đi về chiến trường xưa tìm lại đồng đội. Ông tâm sự: “Có lẽ anh linh các liệt sĩ đưa đường chỉ lối nên tôi có thể tìm tới các anh.” Suốt 20 năm qua, ông đã nghiên cứu, tìm và thông tin tới hơn 400 gia đình tin tức về phần mộ, hài cốt người thân của họ, đồng thời tự mình tổ chức các chuyến tìm kiếm cùng các gia đình được 278 liệt sĩ, đón các anh về quê hương, giúp cho những người mẹ thanh thảnh hơn khi nhắm mắt ra đi, giúp những người vợ bớt khắc khoải ngóng tin chồng và những người con được an ủi phần nào khi đón liệt sĩ về chăm sóc trong vòng tay yêu thương của người thân, của quê hương.
Dương Sơn