Xuất thân trong một gia đình bần nông vốn có truyền thống cách mạng tại Vĩnh Lợi, năm 1965, khi mới 15 tuổi, chú đã xung phong làm giao liên thuộc đơn vị B37 đưa đưa bộ đội vào ra chiến trường Sóc Trăng. Năm 1968, chú được phân công về Công an tỉnh Sóc Trăng. Trong một lần trận Minh Diệu chống càn với địch năm 1969 (huyện Vĩnh Lợi) chú bị thương vào đầu và nhiều vết trên thân thể nhưng vẫn kiên quyết bám trận địa cùng đơn vị chiến đấu, buộc địch phải rút lui. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 1969 chú được kết nạp Đảng. Chú kể: “…Lúc đó dù rất đau đớn, nhưng nghĩ đến Đảng, nghĩ đến Bác Hồ, tôi đã gượng dậy chiến đấu tới cùng….”.
Sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng bấy giờ quyết định xây dựng Đền thờ Bác tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi để tỏ lòng thương nhớ Bác. Sau nhiều năm xây dựng trong điều kiện đặc biệt khó khăn do địch thường xuyên càn quét và đánh phá, ngày 19-5-1972, ngôi Đền được hoàn thành trong niềm vui rất lớn của nhân dân. Lúc này chú Nguyễn Văn Khoa được điều động về làm nhiệm vụ đội trưởng đội bảo vệ Đền thờ Bác, gồm 7 thành viên. Ngoài ra, chú còn được phân công làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng bộ xã Châu Thới.
Điên cuồng vì Đền thờ Bác đã được xây dựng hoàn tất, Mỹ-ngụy đã tập trung rất nhiều đợt đánh phá bằng bộ binh, pháo 105 ly, máy bay trực thăng hòng phá huỷ ngôi đền thiêng liêng này. Đặc biệt, chúng huy động 3 tiểu đoàn quân tinh nhuệ của Sư đoàn 21 bộ binh, lính Chi khu 411 ác ôn càn quét vào khu vực Đền. Không ngại gian lao, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đền Bác, các lực lượng của ta đánh trả quyết liệt. Trong chiến đấu, chú Nguyễn Văn Khoa dùng thủ thuật sử dụng cài đặt trái nổ xung quanh đền rất khoa học bằng những loại vật liệu nổ khác nhau như: lựu đạn, thủ pháo, đạp lô, đầu đạn 6, 8 và 105 ly (thu được của địch) nên nhiều lần địch càn quét bị thương vong rất nhiều, hoang mang lo sợ không dám liều lĩnh và hung hăng như trước đây.
Có một kỷ niệm rất sâu sắc luôn in đậm trong đời chú là trận đánh 4 chiếc máy bay trực thăng của địch năm 1972. Sáng hôm ấy, địch cho máy bay liên tục quần đảo và bắn phá khu vực Đền Bác. 7 chiến sĩ bảo vệ vác súng AK, CKC trên vai, vừa chạy ra đồng để thu hút hoả lực địch, vừa bắn trả quyết liệt. Sau hơn 3 giờ giao tranh, máy bay địch phải tháo lui. Năm 1973, trong một trận chống càn, chú bị thương và mất đi 4 ngón chân. Vậy là lần thứ hai chú trở thành thương binh trên trận địa nhưng một lòng bảo vệ đền Bác với lòng dạ sắt son.
Chú Nguyễn Văn Khoa kể: “Tôi vinh dự được Đảng và tổ chức phân công nhiệm vụ bảo vệ đền thờ Bác, vì vậy dù phải hy sinh tôi vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống…”.
Sau ngày nước nhà thống nhất 30-4-1975, chú tiếp tục nhận nhiệm vụ chăm sóc đền thờ Bác. Hiện nay dù tuổi đã cao nhưng chú vẫn hợp đồng công tác với Ban quản lý Khu di tích đền thờ Bác xã Châu Thới và là nhân chứng sống rất hấp dẫn với nhiều du khách bởi những câu chuyện bi hùng xung quanh việc xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất. Năm 1998, Khu di tích đền thờ Bác đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chia tay chúng tôi với nụ cười thật rạng rỡ đầy tự hào, người đã có 44 năm gắn bó, bảo vệ đền Bác, người thương binh ấy còn nhắn nhủ: “…Lần sau về đây sẽ khác hơn nhiều lắm nghe vì Khu di tích đang chuẩn bị mở rộng thêm tới 34 công đất ở giai đoạn 2, vậy mới ngon chớ, người dân xứ nầy vui mừng phấn khởi lắm…”.
Một câu nhắn chân tình nhưng để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm xúc dâng tràn.
Phan Thị Anh Thư