Người thầy thuốc ấy

Sinh năm 1935 trên mảnh đất có nghề gốm sứ truyền thống nổi tiếng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội; nhưng từ nhỏ, Trần Mạnh Chí đã theo bố mẹ lên Phú Thọ để làm ăn. Năm 1948, có đoàn cán bộ quân đội về tuyển sinh quân y, quân giới và lục quân, anh thanh niên Trần Mạnh Chí đăng ký vào học nghề y tá. Tháng 1-1949 ra trường, Trần Mạnh Chí nhập ngũ làm y tá đại đội thuộc Trung đoàn 209 (Đoàn Sông Lô). Trận đánh đầu tiên của anh là tiêu diệt các đồn Mỏ Hém, Suối Rút, Chợ Bờ bên sông Đà, trong chiến dịch Lê Lợi. Ca thương binh đầu tiên của anh là bị vết thương sọ não, không cứu được. Ông rất sợ nhưng đã nhen lên ngọn lửa ước mơ điều trị được những căn bệnh thần kinh, sọ não. Trần Mạnh Chí tiếp tục tham gia các chiến dịch Biên giới (1950), Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt (1951), Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc, Thượng Lào (1953). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là cán sự quân y Trung đoàn 209. Ông kể, từ ngày mở màn 13-3 đến 7-5-1954 kết thúc, khi thì tôi ở Trạm cấp cứu trung đoàn, khi lại xuống các tiểu đoàn để phân loại, sắp xếp thương binh, ai băng bó rồi trở lại đơn vị chiến đấu, ai ở lại điều trị thêm hoặc phải chuyển lên tuyến trên. Có những đêm ở trạm cấp cứu ngã ba Long Bua, không có đèn, cứu chữa, băng bó, tiêm chọc chỉ sờ soạng mà làm. Nhiều cái chết thương tâm lắm như anh Nghiêm, anh Bích ngồi ngoài cửa hầm bị máy bay B-26 bắn đạn xuyên qua đầu chết ngay tại chỗ. Chiều 7-5, thấy địch kéo cờ trắng ra hàng, chúng tôi được lệnh lên khỏi hầm thì vui mừng lắm, nhưng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh nên miệng cười mà nước mắt cừ trào ra.
Hòa bình lập lại, theo nguyện vọng: điều trị được vết thương sọ não, Trần Mạnh Chí đi bổ túc ngắn hạn rồi đào tạo bác sĩ tại Trường sĩ quan Quân y (nay là Học viện Quân y), ra trường ông học thêm ngoại thần kinh và làm bác sĩ điều trị khoa Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Quân y 108. Năm 1966 ông được phân công phụ trách Phẫu thuật thần kinh Bệnh viện 103. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện 103 có khoa Ngoại thần kinh. Quân số gần 20 y, bác sĩ, nhân viên với 3 nhiệm vụ là huấn luyện cấp cứu về ngoại thần kinh; điều trị cho thương binh từ các chiến trường chuyển về và nghiên cứu khoa học. Sau Tết Mậu Thân 1968, theo yêu cầu của chiến trường, ông làm Đội trưởng, Đội triều trị 35, trên tuyến đường Trường Sơn. Tại đây, ngoài việc cấp cứu, điều trị cho thương, bệnh binh và nhân dân, ông còn mở nhiều lớp đào tạo y tá, hướng dẫn cho bác sĩ toàn tuyến về xử lý những vết thương sọ não, xây dựng Đội 35 có hai năm là lá cờ đầu của Đoàn 559. Hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chiến trường, năm 1972 Trần Mạnh Chí được ra Bắc, sang học tập tại Học viện Quân y Kia-rov (Liên Xô cũ). Về nước khi miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng, ông làm Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh bệnh viện 103 với gần 30 cộng sự và 40 giường bệnh. Ông đã đi các Bệnh viện 121, Quân khu 9; 175 TP Hồ Chí Minh để chữa các vết thương do chiến tranh để lại như ổ mủ ở não, áp xe và các di chứng vết thương sọ não khác. Ông đã tụ tập, nghiên cứu từ 500 thương binh sọ não để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1984, năm 1990 ông được phong phó giáo sư, thày thuốc ưu tú. Khoa Phẫu thuật thần kinh có nhiều bác sĩ trưởng thành như các ông Nguyễn Thọ Lộ, Vũ Hùng Liên, Bùi Quang Tuyển, Bùi Văn Tiến... đều là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư có uy tín, làm được nhiều kỹ thuật cao và khó. Năm 1985, ông được bổ nhiệm Phó viện trưởng rồi Viện trưởng Bệnh viện Quân y 103, nghỉ hưu năm 1999.
Với uy tín và lòng yêu nghề, ông tiếp tục tham gia các Hội đồng nhà nước chấm luận án tiến sĩ tại Học viện Quân y, bệnh viện Việt-Đức, Đại học Y khoa Thái Nguyên, Đại học Y khoa TP Hồ Chí Minh, tham gia giảng bài, viết sách báo và làm thơ. Ông đã xuất bản 4 tập thơ ca ngợi tình đồng chí, đồng đội, quê hương. Ông còn tham gia Thường vụ đảng ủy phường Thanh Xuân Bắc 2 khóa, Chủ tịch Hội CCB phường 2 khóa, ủy viên BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Khuyến học của phường… Ông tranh thủ thời gian tư vấn sức khỏe, khám, kê đơn, điều trị miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân là những CCB, TNXP, bà con xa gần tìm đến. Đó là Thiếu tá CCB Trịnh Hải Chanh bị viêm tắc mạch máu chi được ông cấp cứu, điều trị trở lại bình thường. Cụ Đáp là lão thành cách mạng, bị hội chứng đau cột sống do viêm khớp cùng chậu, chạy chữa nhiều nơi không khỏi được ông điều trị ổn định. Giáo sư, tiến sĩ Lài, bị đột qụy, chảy máu não, được ông cấp cứu, điều trị kịp thời... Trần Mạnh Chí thường nhớ và đến thăm, tặng quà cho các bệnh nhân của mình như cụ Huấn, em Lộc TNXP… đều bị thương nặng trong chiến tranh. Thật may mắn cho những thương, bệnh binh đã gặp được ông. Một thầy thuốc vừa có tầm vừa cái tâm trong sáng, tin yêu.
Bài và ảnh:
Tô Kiều Thẩm