Người “thắp lửa” cho buôn làng

Sức vươn của một số phận
Đến Quân đoàn 3, một trong những quân đoàn chốt cứ ở địa bàn quan trọng trên miền đất đỏ ba - zan Tây Nguyên, nếu đưa ra câu hỏi về một tấm gương người lính thì cái tên Rơ Lan Nhin, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 hay được nhắc đến nhất. Chúng tôi đi tìm anh, như đi tìm cho lời giải mã về một vượt khó đi lên của chàng trai dân tộc.
Trong làng D, xã Gào, của TP. Plei-cu, tỉnh Gia Lai, có lẽ gia đình Rơ Lan Nhin thuộc hàng bi đát nhất. Cha mẹ Rơ Lan Nhin sinh được 4 người con, nhưng cực thay, khi Rơ Lan Nhin bước vào tuổi thứ 4 thì cha mẹ em đều lâm bệnh qua đời, để lại những người con bơ vơ nơi xóm núi.
Tuy là xã giáp ranh thành phố thật đấy, nhưng hai chỗ dựa chính mất đi, anh em Rơ Lan Nhin cơ cực đủ đường. Những ngày đầu, nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ, nay củ khoai, mai ống lúa nên chị em Rơ Lan Nhin còn bập bõm có cái ăn hàng ngày. Nhưng hàng xóm láng giềng ở làng D này cũng nghèo khó, họ không có điều kiện giúp đỡ mãi nên nay rẫy, mai nương, kể cả là làm thuê, Rơ Lan Nhin và anh chị em đành gạt nước mắt nuôi nhau.
Một thời gian sau, thấy anh chị em Rơ Lan Nhin cơ cực quá, tuy cũng nghèo khó lắm nhưng ông bà ngoại của Rơ Lan Nhin cũng phải đưa lũ cháu về sống cùng. Hai ông bà già, lại thêm 4 đứa cháu côi cút, không kể hẳn ai cũng mường tượng ra cuộc sống khốn khó của họ. Lại rau, lại cháo, 6 con người của 3 thế hệ ấy cầm chừng nuôi nhau cho qua ngày đoạn tháng.
Nhưng có một điều kì lạ thay, dù trong cảnh khốn khó thậm chí là khốn quẫn ấy nhưng chưa lúc nào Rơ Lan Nhin lại nghĩ đến chuyện bỏ học. Thế rồi 12 năm học cũng qua, nghĩ rằng sự học của mình đến thế là đủ thì có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Không nề hà, Rơ Lan Nhin đã tự nguyện viết đơn gia nhập và trở thành người lính ở tuổi 18 đầy trẻ trung. Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 là đơn vị đầu tiên của Rơ Lan Nhin. Sau gần 3 năm nghĩa vụ, trước trình độ của Rơ Lan Nhin và những chuyên cần anh có được trong những ngày tháng huấn luyện, không nỡ bỏ phí một tài năng nên đơn vị đã giữ Rơ Lan Nhin lại và tạo điều kiện cho anh đi học.
Sau khi học tập tại Trường Quân sự Quân đoàn 3, với khả năng có được, Rơ Lan Nhin lại tiếp tục được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ). Tháng 8-2009, Rơ Lan Nhin ra trường với quân hàm thiếu úy, về công tác tại Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.
Không đầu hàng hoàn cảnh
Trong những ngày tháng huấn luyện, Rơ Lan Nhin đã nên vợ nên chồng với một thiếu nữ nhà mãi bên huyện Ia Grai. Cưới vợ xong, Rơ Lan Nhin đành để vợ lại quê và tiếp tục lên đường vào đơn vị. Đứa con đầu, rồi đứa con thứ 2 ra đời trong những ngày anh về phép ngắn ngủi cùng với tình cảnh không việc của vợ đã làm anh lo nghĩ nhiều, rất căng thẳng. Đơn vị thì cách gia đình đến hơn 100 km nên anh cũng không có điều kiện để giúp đỡ gia đình.
Những lần đi, lần về vội vã, giữa tình cảnh vợ yếu con đau nên nhiều lúc anh đã có ý định viết đơn xin xuất ngũ. Biết khả năng và hoàn cảnh của anh nên các cấp chỉ huy đã tạo điều kiện và tìm đến động viên anh. Hơn nữa, khi biết ý định của anh, ông bà ngoại, anh em cũng như xóm làng đã không ưng bụng lắm.
Nói về tấm gương vượt khó của Trung úy Rơ Lan Nhin, đồng chí Nguyễn Xuân Lai, Chính ủy sư đoàn tâm sự: Trong các cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn trên mảnh đất ba – zan Tây Nguyên này rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng có nghị lực vượt qua hoàn cảnh như Rơ Lan Nhin thì ít người có được. Chúng tôi luôn lấy đó là tấm gương cho các chiến sĩ học hỏi.
Tâm sự với chúng tôi, Rơ Lan Nhin nói: “Tôi thường tranh thủ thời gian buổi tối để nghiên cứu tài liệu, giáo án và tự thục luyện bài giảng trước khi tổ chức huấn luyện cho bộ đội. Tôi cũng thường xuyên tạo “diễn đàn nội bộ” để nghe chiến sĩ góp ý về nội dung, phương pháp huấn luyện, phong cách chỉ huy. Thực tế, qua những ý kiến đóng góp chân thành của chiến sĩ giúp tôi có được nhiều kinh nghiệm để công tác, phấn đấu. Và cũng chính tình cảm, sự chia sẻ của chiến sĩ giúp tôi vững tin hơn vào cuộc sống của mình”.
Chính nhờ thường xuyên đổi mới phương pháp huấn luyện, biết nói những điều bộ đội đang cần, nên kết quả huấn luyện của trung đội do Rơ Lan Nhin chỉ huy luôn đạt thành tích cao. 100% nội dung huấn luyện của trung đội do Rơ Lan Nhin chỉ huy đều đạt yêu cầu trở lên, có từ 80 đến 82% khá, giỏi. Từ năm 2011 đến nay, Rơ Lan Nhin được chỉ huy các cấp khen thưởng; Đảng ủy Trung đoàn 24 tặng giấy khen vì đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
HÀ GIANG