Người phụ nữ “miệng nói, tay làm”
Không chỉ làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bà Mương còn làm tốt việc vận động bà con bảo tồn và duy trì các nét văn hóa của người S’tiêng. Với những thành tích trong công tác hơn 20 năm qua, bà Mương vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin - tiến bước”. Bà Thị Mương.
Bà Mương bén duyên với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình từ năm 1997 khi bước sang tuổi 31. Thời điểm này, ấp Bù Dinh là vùng hẻo lánh, xa xôi của huyện Bình Long (cũ), đời sống bà con rất khó khăn. Bù Dinh có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của người dân nơi đây về kế hoạch hóa gia đình là “trời sinh voi, sinh cỏ”. Ấp Bù Dinh xa và rộng, nhưng không biết đi xe, nên hằng ngày bà Mương đi bộ khắp ấp để vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bà Mương chia sẻ: “Mình lấy việc thật, người thật là chính bản thân chỉ sinh 2 con để tuyên truyền. Việc vận động chị em sinh ít con chủ yếu thông qua kể chuyện cho chị em nghe, phân tích cho họ hiểu sinh đẻ kế hoạch có lợi ích như thế nào. Cứ vậy, ngày ngày tôi đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thay đổi nhận thức của họ”.
Từ nỗ lực của bà, nhiều phụ nữ ấp Bù Dinh đã thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, bà đã thành lập được mô hình “Hũ gạo tình thương” bằng cách đặt hũ gạo tại nhà máy xay xát của gia đình, vận động chị em mỗi lần đến xay gạo thì bớt lại 1 nắm góp vào hũ gạo để giúp đỡ các gia đình khó khăn trong ấp. Mô hình này đã được hội viên phụ nữ nhiệt tình ủng hộ. Năm 2017 từ "Hũ gạo tình thương" này, Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh đã thu được 2 tạ gạo chia sẻ, cho người nghèo khó.
Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tại địa bàn có trên 70% dân số là đồng bào S'tiêng và đa số đồng bào theo đạo Tin lành, bà Thị Mương đã trăn trở rất nhiều để tìm ra biện pháp tuyên truyền, vận động chị em vào tổ chức Hội, không bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo. Đến nay, Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh đã có 250 hội viên, tăng gấp 5 lần so với năm 1998 khi bà bắt đầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ.
Bà Thị Mương còn là người có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa của người S’tiêng. Hiện nay, ấp Bù Dinh duy trì được 1 đội múa cồng chiêng với trên 30 người, nổi tiếng khắp Hớn Quản với các điệu múa lạ và đặc sắc. Bà Thị Mương với vai trò là người trực tiếp hướng dẫn múa, là “nhạc trưởng” của đội với những điệu múa nổi tiếng được sưu tập và luyện tập hằng ngày.
Không chỉ giỏi việc nước, gia đình bà còn là điển hình làm kinh tế giỏi với 10ha đất, thì 3ha trồng lúa; còn lại là cao su, tiêu, điều kết hợp chăn nuôi trâu, dê. Kinh tế gia đình khá giả đã hỗ trợ đảng viên Thị Mương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình người S’tiêng ở ấp Bù Dinh.
Hơn 20 năm qua, bà Thị Mương đã xây dựng được hình ảnh người phụ nữ S’tiêng năng động, sáng tạo. Bà Mương là điển hình tiêu biểu để không chỉ phụ nữ S’tiêng trong vùng học tập mà bà còn là tấm gương cho phụ nữ dân tộc thiểu số cả nước làm theo.
Đậu Tất Thành