Người nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức lớn
Những ngày qua, nông dân các tỉnh ven biển ĐBSCL phải “vật lộn” với thời tiết để tìm cách cứu lấy con tôm. Nắng nóng làm cho tôm nuôi chậm lớn và mắc phải nhiều bệnh như hoại tử gan tụy (EMS), phân trắng, bệnh đục cơ… nhiều hộ nuôi tôm đứng ngồi không yên. Hiện toàn vùng có gần 80.000ha tôm thiệt hại do độ mặn quá cao, vì thế bà con không dám nuôi nữa, bởi sợ thất bại. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bạc Liêu có đến 7.860ha tôm nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến bị thiệt hại. Trong đó, hơn 7.350ha tôm nuôi thiệt hại 30- 70%, gần 510ha tôm nuôi thiệt hại trên 70%. Dưới cái nắng tháng 5, người nuôi tôm như đang ngồi trên đống lửa. Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng bốc hơi làm mực nước trong ao nuôi cạn kiệt làm cho tôm nuôi dễ nhiễm bệnh, dẫn đến nguy cơ thiệt hại cao. Ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải, Phước Long, Giá Rai, nhiều người đã mất trắng vụ tôm. CCB Nguyễn Thành Sơn (ấp Cây Gừa, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cho biết “Tôi có 4 ao nuôi tôm với diện tích 12 công và bị thiệt hại liên tiếp 4 vụ, lỗ gần 100 triệu đồng. Giờ tôi chỉ biết phơi ao để chờ thời tiết thuận lợi hơn mới thả tôm giống”. Nhiều cánh đồng tôm rộng hàng chục ngàn hécta ở 2 huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) những ngày này vắng lặng lạ thường; hầu hết những chòi tôm im lìm, còn ruộng tôm thì trơ đáy dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa. Ngồi thu mình bên đầm tôm, CCB Nguyễn Văn Tuấn (xã Thuận Hòa, huyện An Minh) chua chát nói: “Lứa tôm này tôi đầu tư thả 2 ao trên diện tích 1ha, với khoảng 500.000 con giống tôm thẻ chân trắng. Lúc đầu tôm phát triển bình thường, nhưng sang tuần thứ hai đã xuất hiện bệnh và chết rải rác và sau đó “đi hết”, thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Bây giờ gia đình muốn đầu tư nuôi lại nhưng không còn vốn”. Khảo sát thực tế các xã ven biển của huyện An Biên, An Minh hiện nay độ mặn luôn trên 25%o, trong vuông nuôi gần 35%o, nhiều hộ xả trực tiếp nước từ ao có sự cố ra môi trường làm nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Hơn nữa, nuôi tôm-lúa, hệ thống xử lý nước rất kém nên khi tôm có dịch bệnh nông dân lại xả thẳng nước thải ra kênh rạch, làm dịch bệnh lây lan mỗi khi lấy nước vào. Nắng nóng gay gắt làm tôm nuôi ở Kiên Giang bị sốc môi trường chết hàng loạt. Ông Nguyễn Sỹ Minh-Phó chi cục Thuỷ sản Kiên Giang cho biết: “Đến nay Kiên Giang có trên 97.000ha thả nuôi tôm, trong đó nuôi công nghiệp 770ha (chủ yếu là thẻ chân trắng), tôm-lúa 78.465ha, còn lại là quảng canh cải tiến. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, làm cho gần 10.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, tăng mạnh vào đợt nắng nóng từ đầu tháng 4 cho đến nay. Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là không có nguồn nước tốt để cấp bổ sung thêm hoặc cải tạo lại vuông nuôi”.
Không chỉ ở Kiên Giang, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, tình hình nắng nóng gay gắt và độ mặn tăng cao trong suốt đầu vụ đến nay là nguyên nhân làm chậm tiến độ thả nuôi và làm cho tôm bị thiệt hại nhiều. Hiện Cà Mau diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tăng lên 52.467 ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Uớc tính chi phí thả nuôi 1 ha tôm khoảng 5 triệu đồng, thì tổng thiệt hại là khoảng 260 tỉ đồng. Trong đó, có khoảng 45% diện tích ao, đầm nuôi tôm công nghiệp đang bị “treo ao” hoặc bỏ hoang, do các hộ dân đồng loạt ngừng thả nuôi tôm giống để giảm bớt thiệt hại do độ mặn ngày càng tăng cao.
Cũng do tác động giá tôm và dịch bệnh tràn lan, nên nhiều địa phương ở ĐBSCL khuyến cáo nông dân tạm ngưng thả giống. CCB Lê Công Quẩn – Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Tân-Cà Mau) thở dài khi nói về nghề nuôi tôm ở xã mình rằng: “Con tôm là thế mạnh của xã, nhưng trong điều kiện bất lợi hiện nay nên xã tuyên truyền người dân tạm ngưng xuống giống. Để giảm thiểu dịch bệnh phải chờ vài cơn mưa lớn xuất hiện, khi đó nhiệt độ nước trong hồ nuôi tôm mới hạ được”. Còn ông Lê Văn Sử-Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau nhìn nhận: “Sở tuyên truyền cho người dân không vội nuôi tôm lúc này sẽ dễ thiệt hại. Về cơ bản phải chờ mưa xuống để độ mặn giảm lại mới nuôi được”.
Có thể nói, vụ nuôi tôm nước lợ 2016 ở các tỉnh ven biển ĐBSCL thật sự là một thách thức lớn cho các ngành chức năng lẫn người nuôi tôm.
Bài và ảnh: Phương Nghi