Người nữ CCB có tâm, có tài (19/09/2012)

Công ty tọa lạc trên khu đất rộng gần 6 ha bao gồm hệ thống nhà xưởng, lò nung, sân phơi, bãi tập kết vật liệu, khu để thành phẩm, với hàng chục đầu máy công trình, hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc. Tận mắt chứng kiến quang cảnh ấy, chúng tôi thật sự cảm phục người nữ CCB, Giám đốc công ty Nguyễn Thị Tâm.

Năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chị Tâm xung phong lên đường nhập ngũ, vào Sư đoàn 384, thuộc Binh đoàn 12 làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Chị bị thương trong khi làm nhiệm vụ mở đường với thương tật hạng 4/4. Năm 1981, chị xuất ngũ về địa phương trong thời điểm kinh tế của gia đình và xã hội gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chỉ với hai bàn tay trắng, chị đã vật lộn với nhiều thử thách để gây dựng nên một cơ nghiệp sản xuất kinh doanh ngay trên quê hương mình. Năm 1993, chị mạnh dạn nhận thầu 2 ha đất để sản xuất gạch thông tâm và ngói lợp. Với số vốn vay hơn 100 triệu đồng từ anh em, bè bạn, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng lò nung, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị phụ trợ, thu hút hơn 30 lao động, đồng thời mở thêm dịch vụ vận tải đường sông để giao sản phẩm tận nơi tiêu thụ. Cách làm đó đã giúp chị nhận ra tiềm năng, lợi thế của việc tổ chức vận tải đường sông ở khu vực ngã Ba Bông (nơi hợp dòng sông Mã, sông Chu). Chị cùng chồng và một số công nhân ra Hà Nội, Quảng Ninh học hỏi công nghệ đóng tàu, thuyền bằng sắt có trọng tải lớn, rồi hợp đồng với thợ kỹ thuật có tay nghề cao về quê nhà mở xưởng, dựng đà, xin cấp phép hoạt động. Chiếc tàu sắt đầu tiên ra đời có giá thành 200 triệu đồng, được các ngành chức năng đánh giá cao đã tạo cho công ty niềm tin và phấn khởi bắt tay vào sản xuất. Chị vận động các hộ dân chài đóng góp 1/3 vốn đầu tư của mỗi con tàu sẽ được ký hợp đồng giao nhận tàu, thuyền.

Từ năm 2000 đến năm 2009, doanh nghiệp của chị đã đóng được 140 tàu sắt các loại để bà con dân chài (chủ yếu là bà con giáo dân) có phương tiện làm ăn. Nhờ có biện pháp quản lý linh hoạt, có tính quyết đoán và giữ được chữ tín trên thương trường nên cơ sở sản xuất của chị ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều khách hàng. Chị đề xướng thành lập Hiệp hội vận tải Ba Bông, bước đầu có 400 hộ tham gia, mỗi năm gia đình chị trích 5% lợi nhuận để đóng góp hỗ trợ cho quỹ của hiệp hội. Hơn 9 năm qua, nhờ có sự giúp đỡ về vốn và tìm đối tác hợp đồng vận chuyển hàng hoá từ tổ chức hiệp hội nên 140 hộ dân chài ở khu vực Ba Bông từ chỗ thiếu đói nay đã có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên, nhiều hộ đã lên bờ xây dựng nhà khang trang, cho con cái đi học, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.

Cuối năm 2008, vợ chồng chị đã đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel với công suất 25 triệu viên/năm tại xã Định Tân, huyện Yên Định. Năm 2009, nhà máy ký được 13 hợp đồng trong tỉnh với số lượng 50 triệu viên gạch, thu hút thêm 450 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ, doanh thu đạt 37 tỷ đồng. Năm 2010, mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực nhưng doanh thu của công ty vẫn đạt mức trên 40 tỷ đồng, lương bình quân người lao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Hàng năm ngoài việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc để mở rộng sản xuất, doanh nghiệp của chị thực hiện nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, đúng kỳ hạn, đồng thời bảo đảm chế độ bảo hiểm cho người lao động.

Chị còn làm tốt công tác từ thiện, tương trợ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như đóng góp các quỹ Hội Chữ thập đỏ 120 triệu đồng; “Đền ơn đáp nghĩa” 240 triệu đồng, “Khuyến học” 160 triệu đồng, “Vì người nghèo” 300 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị bão lụt 60 triệu đồng, hỗ trợ xoá 25 nhà tranh tre, dột nát…

Tại hội nghị biểu dương CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi giai đoạn 2007 - 2012 do T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức, chị vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.

Là một doanh nhân thành đạt nhưng chị Tâm ít khi kể chuyện về mình. Chị cho rằng: Doanh nghiệp phát triển được như ngày hôm nay là nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền các cấp và anh em đồng đội. Chị thật tự hào bởi đã phần nào thực hiện được lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn mà không phế”.

Bài và ảnh: Phạm Văn Thân