“Người lính em yêu”

Đầu thư, Trung nói hộ người yêu lời trách móc: Hòa bình đã lập lại rồi/ Mà anh đi mãi... xa rời tình em!

Tiếp theo, anh “làm lành”: Nghĩ rằng chịu đựng cho quen/ Chưa về cũng bởi thương em vô ngần/ Nếu tất cả toàn quân đều nghỉ/ Vũ khí kia han gỉ thì sao? Quân thù lợi dụng nhảy vào/ Hỏi còn hay mất núi cao, sông dài?

  • Ký tên: Người Lính Em Yêu.

Hoa đọc thư, hiểu ra anh lính của cô ít về thăm người yêu cũng là vì nhiệm vụ...

Nhưng ông Quang - bố của Hoa thì băn khoăn. Yêu đương gì mà cứ biền biệt? Bây giờ có phải như thời chiến đâu! Tra hỏi mãi, cuối cùng ông được Hoa đưa cho xem bức thư của Trung...

Sau đợt thi bắn, Trung được thủ trưởng thưởng phép, anh về thăm gia đình Hoa... Sau "màn chào hỏi" của Trung, ông Quang đích thân mở chuyện, vẻ thăm dò:

  • Con Hoa có cho tôi xem bài thơ anh gửi cho nó hôm 20-11. Hóa ra anh cũng thơ phú được nhỉ!

  • Dạ thưa bác! Cháu chỉ nói theo các cụ thôi ạ!

  • “Chưa về cũng bởi thương em vô ngần...” Anh bảo là của các cụ?

  • Dạ vâng! Cách đây 9 năm, cháu học bài về truyền thống Quân đội, dành cho chiến sĩ mới, đồng chí chính trị viên đã đọc cho chúng cháu nghe...

  • Bài thơ từ đời nảo đời nào. Nay anh vẫn dùng để “cưa” con gái tôi.

  • Dạ thưa bác! Cháu nghĩ, bài thơ đã gắn tình yêu lứa đôi với tình yêu đất nước. Nhờ vậy nó vẫn nguyên sức sống ạ!

Ông Quang gật gù... rồi hỏi tiếp:

  • Vậy sao anh lại ký tên "Người Lính Em Yêu" ở cuối bài thơ?

  • Dạ thưa bác là thế này ạ: Cháu có hỏi đồng chí Chính trị viên về tác giả của bài thơ. Anh ấy bảo là, hình như trong chiến tranh, mọi người thường coi tất cả những áng văn thơ tuyên truyền cách mạng là của chung... Khi chưa tìm được tác giả của nó thì cứ tạm ghi “Người Lính Em Yêu” là đúng cho mọi trường hợp. Bao giờ biết chính xác ai sáng tác ra nó thì ta “chỉnh lý”.

Nghe đến đấy, ông Quang vỗ đùi đánh "đét", đồng thời nói to:

  • Hay! Chính tôi cũng đang bí chỗ này!

Đến lượt Trung ngạc nhiên:

  • Ồ thế bác cũng quan tâm đến bài thơ...?

Ông Quang càng phấn chấn:

  • Hồi tôi nhập ngũ - đầu năm 1970, trong bài giảng về truyền thống Quân đội, thủ trưởng đơn vị cũng dẫn bài thơ này...

Đúng lúc ấy, Hoa từ trong phòng, ửng hồng đôi má, ra rót nước mời bố và người yêu. Không rượu mà vui như Tết.

Phạm Xưởng