Người lính Đồng Lộc trên trận tuyến Xuân Lộc

CCB Nguyễn Đăng Ngô tại phòng thí nghiệm của Trường THCS Đồng Lộc.

Ngày 8/4/1975, trên tuyến phòng ngự Xuân Lộc, khi cõng thương binh ra khỏi trận địa, quay lại thì đơn vị đã rút, chiến sĩ trẻ Nguyễn Đăng Ngô bị rơi vào vòng vây của cả đại đội địch, dẫu bị thương nặng nhưng một mình vẫn chiến đấu suốt 17 giờ liền, tiêu diệt 36 tên địch và rút lui an toàn. 47 năm sau, là Thương binh 1/4 nhưng ông Ngô vẫn lập nhiều chiến công mới giữa đời thường.

Một thời hào hùng

Nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, sau 3 tháng huấn luyện tân binh, Nguyễn Đăng Ngô quê xã Đồng Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh) được biên chế vào F341 – QK4. Đầu năm 1975, Sư đoàn hành quân vào miền Đông Nam Bộ và được bổ sung cho lực lượng chủ công hướng Đông Bắc chiến dịch Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ chiến đấu phá tan phòng tuyến phòng ngự cốt tử của địch tại Thị xã Xuân Lộc – Long Khánh.

Đêm 8/4/1975, đơn vị cơ động hành quân tiếp cận cửa mở vòng ngoài mục tiêu Dinh tỉnh trưởng Long Khánh. 4h sáng 9/4/1975, mở đầu trận đánh của một chiến sĩ binh nhất mới hơn 4 tuổi quân. 5h40 phút, sau loạt pháo của tiểu đoàn, Nguyễn Đăng Ngô xung phong lên trước cửa mở bắn tan 2 ổ đại liên địch, tiêu diệt 7 tên tại hướng chính cạnh trường Bồ Đề. Đến 6 giờ sáng truy kích hạ gục 2 tên trên đường Hoàng Diệu. 6h30 phút, leo theo ống nước lên tầng 2 ngôi nhà cạnh nhà thờ xóa sổ ụ hỏa lực của địch bằng lựu đạn. 9h30, nhận thấy một số hộ dân tiểu thương nghèo ở gần chợ không kịp sơ tán, bị mắc kẹt giữa hai làn đạn, ông đã xung phong đưa 18 người vào rừng cao su an toàn, trong đó, ông phải cõng trên lưng một người đàn ông khuyết tật. Đến hơn 11h trưa, ông lại lập nên một chiến công nữa khi đưa được 5 thương binh nặng ra khỏi trận địa ác liệt.

Ông Ngô kể lại: “Khoảng hơn 1 giờ chiều (9/4/1975), sau khi cõng số thương binh nặng bàn giao xong, tôi quay lại đơn vị thì gặp cả một đại đội địch bất ngờ đánh chọc sườn tiểu đoàn 7. Tình thế đặc biệt nguy hiểm khi toàn tiểu đoàn đang giằng co quyết liệt với xe tăng địch phía trước. Tôi bình tĩnh tháo nắp ba quả lựu đạn vừa thu được của địch, lắp một băng đạn mới vào khẩu trung liên chờ sẵn. Địch tiến vào 30 mét, 20 mét rồi 10 mét, tôi tung ba quả lựu đạn vào tốp đi đầu. 5 tên chết ngay tại chỗ, bọn phía sau bỏ chạy, tôi vơ vội khẩu trung liên bên cạnh quét theo một loạt đạn dài. Hai tên địch nữa ngả nhào xuống bãi cỏ. Tôi khom mình chạy dưới giao thông hào chuyển nhanh sang vị trí mới. Bọn địch từ xa bắn quyết liệt vào chỗ tôi vừa đứng. Lại một tốp khác xông lên. Từ vị trí mới, tôi dùng trung liên quét mạnh vào tốp địch vừa xuất hiện, 2 tên địch bị trúng đạn đổ sập bên gốc cây. Tôi cơ động nhanh sang chỗ khác, lập tức từng loạt đạn AR15 cắm phầm phập vào chỗ tôi vừa đứng bắn. Đứng đây tôi dùng trung liên tỉa từng loạt ngắn. Hình như chúng tưởng lực lượng ta đông nên không giám liều mạng xông lên nữa. Một số tên từ xa bỏ chạy. Vài thằng bị thương gần đó la rất to. Thấy một tốp hành động lừng khừng, hình như chúng muốn quay lại lấy thương binh. Tôi ghì súng vào thành công sự lia một loạt, thêm 3 thằng chạy lảo đảo rồi đổ sập xuống. Chúng lùi ra xa dùng cối cá nhân bắn nát khu vực hào giao thông nơi tôi vừa đứng. Thấy phía tôi căng thẳng ác liệt, địch tập trung lực lượng mạnh, đại đội trưởng Nguyễn Xuân Toản tăng thêm người tới”.

Ông kể tiếp: “ Khoảng 15 giờ 30 phút tôi củng cố công sự, lợi dụng khói bụi, trườn ra nhặt thêm 2 khẩu AR15, 5 băng đạn, 1 khẩu M79 15 quả đạn, 12 trái lựu đạn US. Theo giao thông hào tôi chuyển đến một vị trí chiến đấu mới, chỗ đó có một lô cốt cũ gần một cái cống. Cống chui qua, chui lại được, nối với một đoạn mương dài, sâu lút đầu, có nhiều chỗ lồi lõm rất thuận lợi cơ động và phòng thủ đánh địch. Cả buổi chiều và đêm hôm đó, cuộc chiến đấu không cân sức vẫn tiếp tục. Đó là khi tôi nằm im chờ cho một tốp khoảng vài chục tên mất cảnh giác mò vào sát công sự, tôi quẳng liên tục 5 quả lựu đạn Mỹ, 6 thằng chết ngay tại chỗ. Bọn phía sau nháo nhác. Tôi đứng lên lia mấy loạt trung liên, thêm 3 thằng nữa ngã sấp xuống. Sáng hôm sau (10/4/1975), được đồng đội tiếp ứng, tôi được đưa về trạm phẩu…

Nhắc đến Nguyễn Đăng Ngô, đại tá Nguyễn Văn Dần – nguyên Trưởng phòng Quân lực QK4 – Nguyên đại đội trưởng C1 – D7 – E266 – F 341 – QK4 nhớ lại: “Trong trận đầu tiên của Sư đoàn vượt cửa mở đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Long Khánh ngày 9/4/1975 hôm ấy, Nguyễn Đăng Ngô đã lập nên một kì tích, xứng danh con em quê hương Đồng Lộc anh hùng khi một mình cầm cự, giữ chân, đẩy lùi được cả một đại đội địch giúp cho đơn vị giảm bớt thương vong, củng cố đội hình chiến đấu”…

Tỏa sáng phẩm chất anh hùng

Chiến công của Binh nhì Nguyễn Đăng Ngô mới hơn 4 tháng tuổi quân làm nức lòng cán bộ chiến sỹ toàn Sư đoàn, với thành tích tiêu diệt được 59 tên địch, phá hủy 3 ổ đại liên, thu 6 súng các loại, bảo vệ 8 thương binh nặng, cứu 18 dân thường, mang ra khỏi trận địa 3 liệt sĩ, bị thương 2 lần không rời vị trí chiến đấu. Đặc biệt trong đó có 17 giờ chiến đấu độc lập chủ động tấn công địch, đẩy lùi 7 đợt phản công, loại khỏi vòng chiến đấu của một đại đội thuộc tiểu đoàn 2, chiến đoàn 52 ngụy. Nguyễn Đăng Ngô đã được bầu là cá nhân điển hình và được chọn báo cáo tại Đại hội thi đua quyết thắng của sư đoàn vào tháng 12/1975. Ông được thưởng 2 Huân chương chiến công và Bằng khen của Trung đoàn. Là một trong những chiến sĩ vinh dự được đón nhận lẵng hoa của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đời thường của ông Nguyễn Đăng Ngô.

Sau 47 năm, mặc dầu vẫn lỗi hẹn với danh hiệu Anh hùng LLVTND nhưng CCB Nguyễn Đăng Ngô luôn giữ vững phẩm chất kiên trung của người đảng viên, phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Do vết thương tái phát nặng nên ông phải rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường. Ngay khi trở về địa phương, ông được cấp uỷ, chính quyền cử làm Bí thư đoàn xã 10 năm liền; sau đó với sự tín nhiệm của cán bộ đảng viên, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ hai nhiệm kỳ. Ông luôn thể hiện phẩm chất cao đẹp của người lính, tìm mọi cách để hoạt động đoàn mang lại hiệu quả, cùng Chi bộ có nhiều biện pháp lãnh đạo thôn, xóm chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông luôn hăng hái gương mẫu đi đầu, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Hiện gia đình ông có hơn 4 ha trồng cây các loại như keo, tràm, cam, bưởi, chanh; có đàn bò hơn chục con và nuôi ong lấy mật, hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thương binh 1/4 Nguyễn Đăng Ngô luôn là tấm gương sáng trong xây dựng nông thôn mới, sinh hoạt ở khu dân cư. Đại tá Nguyễn Tiến Thích, Chủ tịch CCB huyện Can Lộc cho biết: “Để có vườn cam hơn 100 gốc cho chất lượng tốt, CCB Nguyễn Đăng Ngô hàng ngày mang đất, nước, mẫu hoa, lá, rễ cam lên mượn phòng thực hành sinh hóa của Trường THCS Đồng Lộc để nghiên cứu tìm ra giải pháp tối ưu. Là Thương binh nặng, khi con gái thi viên chức ngành GD Mầm non thay vì đòi hỏi chế độ, ông Ngô lại hằng đêm cặm cụi cùng con làm bài ôn thi… Đấy chính là tấm gương sáng không phải ai cũng làm được. CCB xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc rất tự hào về hội viên CCB Nguyễn Đăng Ngô…”

Bài và ảnh: Anh Thi – Quốc Hiệp