Người làm sống lại những làng nghề truyền thống (10/10/2012)
Năm 1990, từ chiến trường Cam-pu-chia trở về không có việc làm, để lo cuộc sống gia đình anh đã phải đi lái xe thuê, kinh doanh vận tải, san lấp mặt bằng, thi công công trình… thế nhưng chưa nghề nào đem lại hiệu quả kinh tế, thậm chí thất bại. Trong một lần gặp lại đồng đội, có người gợi ý với anh nên thu mua hàng mây, tre đan xuất khẩu, bởi ở tỉnh Nghệ An có rất nhiều làng nghề truyền thống. Nghe vậy, anh bỏ công tìm về xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Đây là một vùng quê nghèo, nhiều đời sống bằng nghề mây, tre đan, nhưng vào thời điểm kinh tế khó khăn, nghề truyền thống của người dân đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Gặp bà con và được nghe những tâm tư, nguyện vọng, anh càng nuôi ý chí làm sống lại làng nghề. Được bạn bè giúp đỡ, anh đứng ra thành lập doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đi vào hoạt động đã vấp phải hàng loạt khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Thất bại về những chuyến hàng đầu tiên đã khiến một số bạn bè nản lòng, đi tìm việc khác, chỉ còn lại mình anh. Nhiều đêm anh nằm nghĩ, mình là người lính đã từng vào sinh ra tử, lẽ nào lại chịu bó tay. Thế rồi, được sự động viên của gia đình, anh thế chấp nhà cửa, vay mượn ngân hàng, đi tìm hiểu thị trường, sang cả các nước châu Âu. Vừa làm, vừa học, vừa đúc rút kinh nghiệm, chú ý cải tiến mẫu mã hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; phải mất hơn 5 năm, những khó khăn dần được tháo gỡ, công việc sản xuất đi vào ổn định, bà con làng nghề có việc làm, có thu nhập, làng nghề được hồi sinh. Kết quả đó càng giúp anh củng cố niềm tin.
Năm 2001, Tỉnh ủy Nghệ An có Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề”, mở ra hướng đi mới cho hoạt động của công ty. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành, đặc biệt Sở LĐTBXH hỗ trợ kinh phí dạy nghề, anh đã cùng với liên minh HTX đi vận động, tổ chức nhiều lớp học đào tạo nghề cho người dân. Đến nay, công ty đã tổ chức được trên 900 lớp học dạy nghề, truyền nghề cho hơn 20.000 người ở 18 huyện hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Khi vực dậy làng nghề truyền thống chỉ còn hơn 100 hộ biết nghề, thì nay đã có trên 20.000 người biết nghề và hành nghề có uy tín trên thương trường. Từ chỗ cả tỉnh chưa có một làng nghề nào được công nhận thì đến nay đã có 83 làng nghề được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, trong đó có 36 làng nghề mây, tre xuất khẩu. Ngoài ra, anh Phong còn giúp đỡ, hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp khác được thành lập và SXKD có hiệu quả tốt.
Những năm gần đây, do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, nhất là lĩnh vực ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, nhiều làng nghề không có việc làm. Thế nhưng, Công ty Đức Phong vẫn phát triển, tăng trưởng khá tốt, người lao động có việc làm đều đặn, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, đạt 19,2 tỷ đồng, nộp ngân sách 669 triệu đồng. Năm 2011 đạt 19,8 tỷ đồng, nộp ngân sách 683 triệu đồng. Năm 2012 dự kiến đạt 20 tỷ đồng, nộp ngân sách 800 triệu đồng. Công ty đã tạo công ăn việc làm cho trên 3.000 lao động, trong đó có 70 lao động tập trung và hơn 2.900 lao động tại các làng nghề. Hàng năm công ty tham gia đầy đủ các phong trào ‘Đền ơn đáp nghĩa, phòng chống bão lụt, góp phần xóa đói, giảm nghèo...”. Ngoài việc gây quỹ, công ty còn tận tụy đào tạo và giúp đỡ các gia đình, các hộ nghèo có việc làm, tạo điều kiện cho họ thoát nghèo bền vững.
Hiện nay sản phẩm chủ yếu của công ty là đèn lồng các loại, đồ gia dụng và trang trí nội thất. Sản phẩm được cung cấp cho Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) và được phân phối trên 34 quốc gia.
Công ty đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có HCLĐ hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, công ty được vinh dự đón Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về thăm.
Bài và ảnh: Anh Thi