Người làm áo giáp chống bom bi đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 1-5-2022, Đại tá Trần Thịnh Tần - nguyên Cục trưởng Cục Quân trang. Cục này sáp nhập với Cục Quân lương để thành Cục Quân nhu bây giờ, tròn tuổi 90. Tôi bỗng nhớ năm ông 80 tuổi (2012), trong khi kể chuyện làm chiếc áo giáp chống bom bi đầu tiên của quân đội ta, ông bảo tôi: “Hy vọng Phạm Xưởng sẽ thêm một cách lưu lại kỷ niệm này của Ngành Quân trang. Lớp chúng mình đã vượt “cổ lai hy” 10 năm rồi... Tôi hiểu ý ông.

Mừng ông tròn 90 tuổi tây, vẫn ung dung tự tại! Tôi viết lại câu chuyện ông làm áo giáp chống bom bi.

...Từ năm 1966, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá các tuyến vận chuyển hậu cần của ta từ Bắc vào Nam. Chúng rải xuống rất nhiều bom sát thương, đặc biệt là các loại bom bi, hủy hoại sức chiến đấu của bộ đội ta. Đại tá Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (về sau là Thượng tướng - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) yêu cầu cơ quan Tổng cục nghiên cứu, chế tạo thử áo giáp chống bom bi. Trong vòng 1 tháng phải xong và mang mẫu vào Sở Chỉ huy Ban đại diện Tổng cục tiền phương gặp ông.

Nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho Thượng úy Trần Thịnh Tần - Chủ nhiệm khoa Quân trang phòng nghiên cứu Cục Quân nhu, cùng kỹ sư Phạm Hồng Điệp - Trợ lý kỹ thuật của khoa.

Hai đồng chí được giao nhiệm vụ đến Bộ Tư lệnh Hải quân xin vài tấm đuya-ra về sản xuất thử 1 chiếc áo giáp chống bom bi. Ông Tần lo lắng: Nếu thành công, lấy đâu ra vật tư để sản xuất hàng loạt? Đã quan tâm đến điều đó, Tổng cục chỉ đạo cấp tốc thử nghiệm sức chịu đựng bom bi trên các tấm đuya-ra của Liên Xô; đồng thời, cũng triển khai việc chế tạo áo chống bom bi từ một sản phẩm “vườn tược” Việt Nam. Đó là… cật tre già.

Tổ công tác cưa các tấm đuya-ra thành những mảnh có kích thước 5 x 10cm, cho vào các túi nhỏ, đính từng lớp (giống như lợp ngói) trên áo trấn thủ. Các gốc tre đực cũng được chẻ ra, để nguyên độ dày vốn có rồi cho vào các túi vải, đính tương tự như với áo giáp đuya-ra.

Sau đó, Tổng cục lệnh cho Cục Quân khí (khi ấy thuộc TCHC) thử nghiệm bằng cách cho bom bi nổ trên máy ly tâm (do Cục Quân khí chế tạo). Các tấm giáp được treo ở cự ly 1m, hứng mảnh bom bi. Kết quả, các tấm đuya-ra đã cản gần như tuyệt đối sự sát thương của 100% mảnh bom bi và khoảng 80% số viên bi. Trên tấm giáp tre, hầu hết mảnh vụn bom bi và khoảng 60% các viên bi đã kết lại trên các thanh tre ghép song song.

Ngay lập tức, tổ công tác bắt tay thiết kế những chiếc áo giáp hoàn chỉnh, có cổ cao; đuôi áo trễ xuống che hạ bộ phía trước và xương cùng của người mặc áo. So với chỉ tiêu thời gian Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện giao, việc chế tạo sớm được 1 ngày.

Mỗi chiếc áo giáp bằng đuya-ra nặng 6kg. Loại bằng tre nặng 8kg. Còn loại giống như áo mưa trùm kín thì nặng tới hơn 20kg.

Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện rất hài lòng. Sau khi mặc thử từng chiếc áo, ông quyết định viết đơn hàng và vẽ mẫu, xin Liên Xô viện trợ sản xuất hàng loạt áo giáp đuya-ra. Riêng với áo giáp bằng tre, ông quyết định làm một cái thật đẹp để tặng đồng chí Phi-đen Ca-xtrô - lãnh tụ nước Cộng hòa Cuba.

Không lâu sau, hàng vạn chiếc áo giáp viện trợ của Liên Xô đã được chuyển nhanh cho bộ đội lái xe và công binh tuyến trước.

Phạm Xưởng