Người hát xẩm không phải đi ăn xin!
Chương trình “Quán thanh xuân” phát lúc 20 giờ 45 phút ngày 10-10-2020 trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam có tên gọi “Leng keng ngày tháng cũ” tạm hiểu là Tiếng chuông tàu điện xưa. Người dẫn chương trình vẫn là Anh Tuấn, Diễm Quỳnh. Khách mời, thế hệ cao tuổi có GS. sử học Lê Văn Lan, nhà thơ Vũ Quần Phương; lớp trung tuổi có họa sĩ Thành Chương, NTK, NSƯT Đức Hùng, KTS Trần Ngọc Chính, NSND Lê Khanh…
Trong không khí kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), thì chương trình này là rất phù hợp và có ý nghĩa. Khán giả màn ảnh nhỏ được tiếp cận với những tư liệu lịch sử ít người biết đến về sự ra đời và phát triển của tàu điện Hà Nội, do GS. sử học Lê Văn Lan cung cấp. Bên cạnh đó là những ký ức rất sâu sắc của nhà thơ Vũ Quần Phương, khi ông nhắc đến những thứ được rao bán trên tàu điện năm xưa. Từ thơ Tản Đà, truyện thờ “Đồi thông hai mộ”, đến thuốc cao bà lang Trọc, bật lửa, băng phiến, lơ hồng*. Đặc biệt là “gia đình nhà xẩm” chồng kéo nhị cho vợ hát và một thằng bé “bưng một cái chậu nhôm méo mó để xin các đồng tiền bố thí” (nguyên văn).
Cũng ký ức về xẩm tàu điện, họa sĩ Thành Chương - một người nổi tiếng trong giới nhảy tàu (theo lời MC Diễm Quỳnh) kể rằng: Thành Chương có quen một ông hát xẩm thuộc loại thông minh, hóm hỉnh. Cũng như những người hát xẩm khác thường mở đầu bằng câu “Lạy ông đi qua. Lạy bà đi lại”, nhưng ông xẩm này bỏ luôn chữ “Lạy” ở đầu câu, thành “Ông đi qua lạy bà đi lại” và ông ta nói với Thành Chương: “Tớ có lạy ai đâu. Đấy là chúng nó lạy nhau đấy chứ”. Thành Chương còn nói tiếp:
“Đi hát xẩm để kiếm tiền, nhưng thực tế là đi ăn xin” (nguyên văn).
Vì nghề hát xẩm hiện nay chỉ còn trong ký ức mọi người, nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ những con người làm nên “nét xưa” đó - trước những quan niệm mà tôi cho rằng: Nếu có ai đó trong số họ còn sống mà nghe được chắc cũng không thể im lặng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Đông, từng đi tàu điện dưới cả hai chế độ trên tuyến Bờ Hồ - Hà Đông dài tới 11km. Tôi cũng từng xem xẩm chợ, xẩm tàu điện, cả xẩm những tối sáng trăng về hát giữa điếm làng ở quê tôi, nhưng chưa một lần nghe thấy người xẩm nào giáo đầu bằng câu: “Lạy ông đi qua. Lạy bà đi lại”. Có chăng chỉ được nghe câu này từ những người ăn xin già nua, tàn tật ở cổng chợ, hè phố, ga tàu, bến xe. Vì thế, tôi cho rằng câu chuyện “Tớ có lạy ai đâu, đó là chúng nó lạy nhau đấy chứ” của Thành Chương mang “màu sắc tiểu thuyết”.
Tôi cũng không hiểu tại sao họa sĩ Thành Chương lại nói: “Đi hát xẩm để kiếm tiền, nhưng thực tế là đi ăn xin”. Và nhà thơ Vũ Quần Phương cũng gọi đó là những đồng tiền bố thí! Trong khi người hát xẩm phải lao động, đôi lúc lao động cật lực. Hát nhiều, kéo nhị, gảy đàn nhiều (có người dùng đàn bầu thay nhị) cũng mệt lắm chứ! Họ cũng phải khổ luyện thì mới đàn ngọt, hát hay. Phải học và thuộc nhiều bài thì mới đáp ứng được yêu cầu khi có người muốn nghe ca xẩm (đặt tiền, bảo xẩm hát những bài mình yêu thích). Như thế sao gọi là đi ăn xin. Là những đồng tiền bố thí! Nói như thế chẳng phải đã xúc phạm những người hát xẩm đó sao. Đừng thấy người nhà xẩm chìa cái chậu méo mó hoặc cái mũ phở, cái nón mê đến trước mặt mình mà bảo họ là kẻ ăn xin.
Cụ Vi-ta-li trong tiểu thuyết “Không gia đình” của Héc-tô Ma-lô làm nghề xiếc rong để sống. Cụ nuôi hai con vật và dạy chúng biểu diễn. Khi con khỉ làm trò thì con chó dùng miệng càm một cái được thiết kế sẵn để đựng những đồng tiền thướng**. Nó đi một vòng bằng hai chân, trước mặt người xem. Những đồng tiền ấy không ai dám gọi là đồng tiền bố thí. Và cụ Vi-ta-li cũng không bao giờ xin ai, mặc dù có những ngày bị đói lả. Lập trường của cụ là chỉ sống bằng sức lao động của chính mình.
Những người hát xẩm ngày xưa ở ta, theo tôi về bản chất cũng không khác những gánh xiếc rong là mấy. Có chăng chỉ là nhiều người trong số họ bị khiếm thị, bù lại, họ lại có năng khiếu riêng. Bởi vậy, ta phải suy xét về họ cho thấu đáo. Phải coi đấy là sự nỗ lực vượt bậc của những người khiếm thị, tàn tật, tự mình vươn lên để không trở thành gánh nặng cho xã hội. Công bằng mà nói, đó là sự có đi, có lại. Kẻ mất công đàn hát, người được nghe. Nhiều bài xẩm hay, có ý nghĩa giáo dục, chẳng hạn như bài xẩm “Thập ân” (công ơn cha mẹ), bài “Trăng sáng đồi chè” (thơ Nguyễn Bính: Khuyến học). Và hình ảnh vợ chồng người hát xẩm trong câu xẩm:
“Đôi ta trót nặng lời thề. Đường xa dắt díu đi về có đôi”. Là hình ảnh đẹp về đạo vợ chồng, đã in sâu trong ký ức mọi người. Lại còn tiếng nhị, tiếng đàn. Có những bác xẩm kéo nhị, gảy đàn bầu nghe hay đến lịm người. Thế thì tại sao lại bảo họ là đi ăn xin. Là đồng tiền bố thí?
Người hát xẩm là người lao động chân chính để mưu sinh. Những đồng tiền họ nhận được là những đồng tiền công, họ xứng đáng được hưởng. Tuyệt nhiên không thể coi họ là những người ăn xin và những đồng tiền bố thí. Bởi thế xã hội mới coi hát xẩm là một nghề, trở thành một nét văn hóa (xẩm Hà thành) có danh hiệu cho họ hẳn hoi (nghệ nhân Hà Thị Cầu). Đành rằng, trong xã hội vẫn còn một số người nhận thức chưa đúng đắn, nhưng chúng ta là những người có tri thức phải biết trân trọng giá trị lao động của người và nghề hát xẩm. Sự đóng góp của họ đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa phi vật thể đáng trân trọng.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là nhận thức của “nhà đài”. Để lọt sóng những quan niệm lệch lạc trên đây không chỉ là thiếu cẩn trọng, mà còn là “phông” văn hóa, trình độ chuyên nghiệp. Và không chỉ là “rút kinh nghiệm” mà phải học. Học nữa. Học mãi, Học suốt đời như lời Lênin và Bác Hồ đã dạy.
Nguyễn Văn Cự
* Lơ hồng: Một loại hóa chất khi hòa tan trong nước có màu xanh lơ, dùng để hồ quần áo trắng sau khi giặt.
**Thướng đồng nghĩa với thưởng, nhưng dân gian hay dùng từ thướng hơn.