Người “giữ hồn” làng nghề
Nói là vậy, bởi cuối những năm 80-đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau những năm phát triển rầm rộ, nghề thêu may ở xã Hưng Đạo (Hưng Yên) và nhiều vùng khác vào kỳ thoái trào, các mặt hàng thêu may xuất khẩu ứ trệ không xuất khẩu sang Liên Xô và các nước XHCN khác nên biết bao khung thêu bị phá làm củi, hàng ngàn thợ thêu không có việc, không có thu nhập... Thế nhưng, bà con nông dân-những thợ thêu ở xã Hưng Đạo không mất niềm tin vào nghề thêu, bởi họ có nữ hội viên CCB Nguyễn Thị Viến... Tham gia quân đội từ năm 1972 đến 1975, sau khi phục viên, chị Viến luôn tích cực tham gia công tác xã hội, làm kế toán, rồi làm đội trưởng đội thêu của thôn, Phó chủ nhiệm HTX thêu toàn xã Hưng Đạo với hơn 1.500 thợ thêu, ngoài ra còn làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hưng Đạo trong nhiều năm liền... Đứng trước nguy cơ tan rã của làng nghề may thêu do thời cuộc đem lại, tiếc cho làng nghề quê hương, lo cho cuộc sống gia đình và bà con trong làng, năm 1993, chị cùng chồng là CCB Nguyễn Văn Minh thu dồn vốn liếng lập Tổ hợp thêu ren Trần Phú và sau đổi thành Công ty CP thêu may Minh Tú. Anh chị năng động đi liên hệ, ký hợp đồng cung cấp cho các đối tác từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản với các mặt hàng quần áo bảo hộ lao động, áo ki-mô-nô, các loại túi, ví, tranh; từ đó tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 công nhân may tại xưởng và gần 400 lao động thêu trong xã Hưng Đạo cũng như các xã lân cận. Lúc đầu, ba gian nhà của anh chị trở thành xưởng may thêu, sau đó cả mảnh vườn biến thành xưởng may thêu, dần dần anh chị quy hoạch thành nơi chuyên may, còn việc thêu, anh chị hướng dẫn nghề, giao khoán nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Vậy là từ đó, ngoài trồng lúa, trồng ngô, hàng nghìn khung thêu của các gia đình lại sáng ánh đèn; các bà, các chị vốn là thợ thêu một thời nay lại cần mẫn thực hiện từng đường kim mối chỉ thêu thùa, có thêm thu nhập. Bên cạnh những mẫu mã sẵn có, chị Viến còn sáng tạo ra nhiều mẫu mới, hợp với thị hiếu nhiều đối tượng khác nhau. Nhiều người đến làm với chị lúc đầu chưa biết nghề, được chị chỉ bảo trực tiếp từng đường kim mũi chỉ, nay đã trở thành thợ giỏi. Công ty Minh Tú của chị Viến, bình quân mỗi năm có 3-4 vạn sản phẩm chất lượng cao được đưa ra thị trường trong nước và quốc tế, đem lại việc làm và nguồn thu nhập cho người dân nơi đây. Vậy nên, không chỉ người dân xã Hưng Đạo mà nhiều người dân trong huyện Tứ Kỳ, trong tỉnh Hải Dương đã biết đến tên chị, người hết lòng gìn giữ làng nghề.
Với ý chí người lính Cụ Hồ, ý chí người đảng viên nên không chỉ sản xuất kinh doanh tốt, chị Nguyễn Thị Viến còn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm từ thiện hàng trăm triệu đồng/năm, là thành viên tích cực của Hội CCB và Hội doanh nghiệp CCB tỉnh Hải Dương. Trong phòng truyền thống Công ty treo hàng trăm Bằng khen của các cấp các ngành, của tỉnh Hải Dương, của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, của Hội CCB Việt Nam và vinh dự nhất là trong năm 2015, chị được công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Thật đáng quý - người nữ hội viên, doanh nhân CCB Nguyễn Thị Viến vừa giỏi tay nghề, lại hết lòng vì cộng đồng.
Bài và ảnh: Lê Doãn Chiêu