Người già và bệnh vô cảm
Trường quốc tế Gateway nơi học sinh lớp 1 tử vong.
Bệnh vô cảm đang hoành hành trong xã hội chúng ta, gây rất nhiều lo lắng cho các nhà lãnh đạo, quản lý xã hội và toàn thể người dân.
Tuần qua, cả xã hội xôn xao, giận giữ, hoang mang về câu chuyện một cháu học sinh của Trường quốc tế liên cấp Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh cả ngày trời mà không ai biết - vì cũng có ý kiến suy luận rằng, biết đâu có người tình cờ nhìn thấy cháu bé trên xe trong tình trạng nguy đã kịch nhưng sợ liên lụy mà chọn giải pháp “im lặng”!
Trước đó, một tài xế taxi Vinasun ở T.P Hồ Chí Minh rẽ trái không bật đèn xi nhan dẫn đến tai nạn, sau đó bỏ đi khỏi hiện trường mà không trình báo công an, hình ảnh camera sau đó ghi lại trong vòng 10 phút sau vụ tai nạn, gần 60 người và phương tiện đã đi qua hiện trường, nhìn thấy sự việc mà không cứu giúp nạn nhân...
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: có một điều kỳ lạ, trong các vụ việc tương tự ở trên thế giới là tai nạn xảy ra ở nơi càng đông đúc thì cơ hội nạn nhân được giúp đỡ càng ít hơn. Khi có nhiều người chứng kiến một sự việc cần giúp đỡ, khả năng có ai đó can thiệp và giúp đỡ càng thấp vì có sự khuyếch tán trách nhiệm. Mỗi cá nhân tự cho rằng, trách nhiệm phải giúp đỡ được chia đều cho tất cả những người nhìn thấy sự việc. Khi có càng nhiều người chứng kiến, chúng ta cũng ít đánh giá sự kiện là khẩn cấp cần can thiệp ngay mà có xu hướng chờ đợi một ai đó “có trách nhiệm” hành động trước.
Những con số thống kê xã hội học gần đây chỉ ra rằng, con người sống trong môi trường đô thị ngày càng ít giúp đỡ nhau hơn. Một trong những lý do là cuộc sống đô thị có rất nhiều sự việc đòi hỏi phải chú ý vì vậy người ta chỉ tập trung vào những gì thích hợp và liên quan tới mình nhất. Trong cuộc sống gấp gáp ở đô thị, con người thường vội vàng vượt lên trước người khác hoặc bận bịu đầu óc với cơm áo gạo tiền. Điều này đã dạy cho các cá nhân thói quen ích kỷ chỉ chú ý tới những gì có liên quan đến bản thân không chú ý quan tâm đến cảm xúc hay câu chuyện của người khác vì tốn thời gian, sợ phiền phức.
Nhạc sĩ Trần Tiến trong bài hát “Ngẫu hứng phố” đã chua xót về cuộc sống ở đô thị: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi…”. Còn nhà văn Quản Hồng Phấn (Trung Quốc) viết một truyện vui về “kim bài hộ thân”, đại ý: Một ông lão tuổi cao, bị “nhớ nhớ, quên quên” nhưng lại hay thích dạo phố. Nhiều lần, ông lão dạo phố rồi quên mất đường về. May mắn là, cứ mỗi lần như thế, lại có một người quen phát hiện dẫn ông lão tìm về nhà mình. Nhưng trên tivi thường xuyên phát các bản tin về việc tìm người nhà cho người già lạc đường, rồi những vụ tai nạn xảy ra trên phố đông người mà không có ai cứu giúp nạn nhân...
Các con của ông lão họp lại bàn bạc, cuối cùng tìm ra một lá “kim bài hộ thân” cho ông lão. Đó là làm một tấm gỗ nhỏ, gắn vào cây gậy của ông lão, trong đó viết: “Nếu cha chúng tôi bị ngã trên đường thì tại ông ấy, không liên quan tới ai, xin hãy vui lòng giúp đỡ ông ấy dậy, sẽ không truy cứu trách nhiệm bất kỳ ai. Người giúp đỡ ông ấy tuyệt đối không phải là người làm ông ấy bị ngã. Văn bản này được xác thực bởi văn phòng công chứng và có hiệu lực pháp luật”. Bên dưới, có đầy đủ chữ ký của vợ, con, cháu của ông lão.
Câu chuyện vui, nhưng phản ánh một hiện thực ở đô thị khắp các nước trên thế giới, đó là vấn nạn vô cảm trước những người gặp nạn cần cứu giúp trên phố. Tâm lý sợ bị vu vạ, sợ “làm phúc phải tội”, sợ mất thì giờ với các nhà chức trách sau hành vi giúp đỡ người khác... đã khiến nhiều người trở nên vô cảm khi chứng kiến tai nạn trước mặt mình.
Bản thân người viết đã một lần thấm thía câu chuyện “làm phúc phải tội”. Số là, một lần đi qua ngã Tư Vọng (Hà Nội), chứng kiến một nhóm côn đồ vây bức, đe dọa hai chiến sĩ Công an mà hàng trăm người đi trên phố không ai phản ứng hay tham gia “giải vây”. Vốn sẵn máy ảnh trong túi, tôi lại gần chụp lia lịa gương mặt nhóm côn đồ, sau đó ở lại làm chứng, đồng thời cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng lập hồ sơ vụ việc. Tưởng thế là xong, hôm sau, cơ quan chức năng lại gọi điện, mời đến làm việc tiếp, kéo theo vô số phiền phức cho “người làm chứng”. Có lần, do bận công tác không thể đến cung cấp chứng cứ theo lời mời, cơ quan chức năng còn cử người đến hẳn cơ quan tôi làm việc, lại hỏi vặn vẹo xem thủ trưởng cơ quan tôi có nắm được điều này, điều kia trong luật nọ, luật kia hay không?...
Sợ “làm phúc phải tội” là tâm lý có thật trong nhiều người. Trong nhiều nguyên nhân gây nên tâm lý đó, có nguyên nhân đến từ chính người nhà nạn nhân và cách hành xử của cơ quan chức năng. Cho nên, câu chuyện “kim bài hộ thân” nói lên nhiều điều về cách phòng thân của người già trong thời đại hiện nay.
Nguyễn Hồng