Người em gái của mẹ tôi (15/09/2011)

Bà ngoại sinh được hai chị em. U tôi mất cách đây hơn một chục năm. U tôi và dì mỗi người một tính cách, một dáng vóc. U tôi người nhỏ, giống bà ngoại. Dì tôi cao to giống ông ngoại. Gái giống cha giàu ba đụn. Dì không giàu tiền của nhưng giàu tình cảm, thông minh, hiểu rộng. Gần tám mươi tuổi, mái tóc màu bạch kim, sống mũi cao gọn, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, trông dì như bà tiên trong truyện cổ tích. Lúc trẻ dì xinh lắm. Nhớ lại có lần dì bảo tôi: “Mã gien di truyền của cháu có một nửa tính trạng lặn họ ngoại”.

Cụ ngoại tôi làm nghề bốc thuốc, cụ bảo sau sẽ truyền nghề cho ông ngoại. Năm hai mươi tuổi, vừa cưới vợ xong, ông ngoại bị Pháp bắt lính, ra lính ông được chuyển sang nghề gõ dây thép (bưu điện), khi ấy dây điện thoại hoàn toàn bằng dây thép trần. Một lần đi sửa đường dây, gặp lúc trời mưa to, bị sét đánh, ông ngoại chết ngay dưới chân cột điện; khi ấy dì tôi mười tuổi. Lớn lên dì kiên quyết xin bà ngoại lên Việt Bắc vào bộ đội theo Việt Minh. Trước khi đi, bao nhiêu sách vở của cụ ngoại dì đóng hòm nhờ bà ngoại và u tôi cất giữ... Hòa bình vài năm, dì tôi lấy chồng, chú rể là một y tá quân đội. Năm 1970, chú rể lên đường vào Nam phục vụ chiến đấu (lúc đó chú đã là bác sĩ). Chiến tranh tàn khốc, chú hy sinh trong một lần đang phẫu thuật cho thương binh... Thời gian qua đi, nỗi đau của dì cũng nguôi ngoai dần...

Tôi từ bé đã ốm o, gày còm, ẻo lả như dãi khoai, sài ươn đủ kiểu. Những khi về thăm quê, dì hay nói với cả nhà: “Thằng Gạo (tên tôi) nó thiệt thòi nhất nhà, nên dì ưu ái nó hơn”. Dì hay động viên, an ủi, thuốc men cho tôi. Lớn lên tôi được ăn học tử tế bài bản, cầm tinh rồng mà công danh chẳng thành. Tôi mắc một căn bệnh tự miễn, nếu không có dì tư vấn thuốc men thêm, có lẽ tôi chết lâu rồi. Dì là người “cải tử hoàn sinh” cho tôi...

Anh em chúng tôi đã người nào phận ấy. Thời kỳ cơ chế mở, anh em chúng tôi đều mua đất ở mặt đường để làm ăn. Năm gian nhà lim cổ với khu đất vườn gần một mẫu do cụ ngoại để lại trở nên trống tuềnh, trống toàng, lạnh lẽo... Thế rồi dì xin về hưu trước tuổi vì muốn về quê sống cho tĩnh tại. Với dì lúc nào quê hương cũng như hương lúa ngậm đòng. Dì kỳ vọng sẽ làm được điều gì để lại cho đời trong quãng thời gian còn lại. Các con dì đã thành đạt, có người là lãnh đạo cấp tỉnh, có người là sĩ quan cao cấp trong quân đội; các cháu có đứa đi nghiên cứu khoa học ở Pháp, ở Nga... Dì tham gia các tổ chức đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... đến Hội Đông y của huyện, Hội Văn học của tỉnh...

Với một mẫu vườn, dì mua thêm một số diện tích xung quanh, thuê người trông nom bảo vệ, để ra khoảng gần ba sào trồng các loại cây thuốc, còn lại chuyển đổi thành vườn sinh thái. Đến nay, trong vườn có nhiều loại cây thuốc quý hiếm. Vườn đủ các loại cây, quả, hoa trái bốn mùa, mát rượi quanh năm. Đàm chim xưa tưởng như tuyệt diệt nay lại ríu rít kéo về làm tổ. Vườn hoang thành “thảo cầm viên”... Tủ thuốc bắc bằng gỗ lim của cụ ngoại để lại dì sửa làm giá sách. Phần do dì sưu tầm, phần do con cháu hàng năm gửi về, “thư viện” của dì giờ đã có đến ngàn cuốn sách: sách y học, khoa học tự nhiên, văn học, triết học... Dì tâm đắc bộ sách cũ viết bằng chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ do cụ ngoại để lại. Ngày ngày dì dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu, viết văn, viết sách. Mấy năm gần đây, dì luôn cặm cụi, miệt mài tra cứu máy tính. Dì nói: “Cứu người phúc đẳng hà sa”. Hàng xóm có cháu nhỏ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, mệt mỏi, mắt lồi, dì nói với mẹ cháu: Có lẽ cháu bị ngộ độc Vitamin A. Mẹ cháu bé chợt giật mình bừng tỉnh. Thế rồi dì lấy một số cây, củ, quả có tinh dầu thực vật giải độc cho cháu; đứa bé dần hồi phục. Một bác nông dân bị nấm da (hắc lào) lâu năm, dùng nhiều loại tân dược không khỏi, dì mách lấy lá trầu không chà xát, lấy lá cà gai leo, cà độc dược, cây mặt quỷ... phơi khô đốt thành tro bôi vào vùng da bệnh vài lần là khỏi. Có lần cơ thể tôi bị nhiễm khuẩn phải uống kháng sinh dài ngày nên ảnh hưởng đường ruột, gây tiêu chảy. Dì bảo tôi mỗi bữa ăn hai củ khoai lang nướng, cùng ăn cháu gạo lức, được mười ngày tôi khỏi tiêu chảy. Dì hay nhắc nhở mọi người, dược thảo quý lắm, biết dùng vừa rẻ, vừa ít bị tai biến... Ngày càng nhiều người bệnh nhờ dì tư vấn cứu chữa. Dì bảo tôi: “Gạo ạ! Cơ thể con người có hệ thống tự miễn dịch, thuốc kháng sinh như con dao hai lưỡi phải dùng đúng lúc, đúng bệnh khi thật cần thiết. Ngày nay có nhiều lại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau tổng hợp, nhưng từ xa xưa con người đã biết chiết xuất từ cây thảo dược ra các loại thuốc kháng sinh chống sốt rét, chống nhiễm khuẩn... Ngay cả aspirin là loại thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, từ xưa người ta đã biết chiết xuất aspirin từ cây liễu và cây hải đường đấy cháu ạ”.

Cảm thấy như trong con người của dì có cả bộ sách lớn. Vừa qua, niềm vui đến khi cùng một lúc dì được hai giải thưởng lớn về viết sách. Một giải thưởng viết truyện ngắn do Báo Người cao tuổi phát động; một giải thưởng viết về những bài thuốc hay, những cây thuốc quý quanh ta do Bộ Y tế phát động. Cấp trên về tận nhà trao thưởng; hôm đó có đầy đủ con cháu, anh em, bạn bè, đại diện các ban ngành trong xã, trong thôn. Dì nghẹn ngào xúc động: “... Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất của tôi, giờ đây có chết tôi cũng toại nguyện. Những điều mơ ước bấy lâu của tôi đã thành hiện thực...”. Tôi nhìn mọi người, những khuôn mặt rạng rỡ. Tôi nhìn những cột gỗ lim trong nhà đen bóng, nhẵn lì lên nước thời gian. Khuôn mặt của dì như đang ngời sáng.

Nguyễn Văn Tảo