Người được Cụ Hồ chữa thơ (16/08/2012)
Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Đổng lý ngự tiền Văn phòng – một cận thần của vua Bảo Đại, người dự thảo bản chiếu thoái vị của Bảo Đại, đọc ngày 20-8-1945, đã ra Hà Nội làm việc. Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 bùng nổ, ông bị Pháp bắt tại Hà Nội, đem giam tại Sài Gòn; mua chuộc ông không được, chúng đưa ra Hà Nội giam giữ; ông được cơ sở hoạt động bí mật Việt Minh giải thoát, đưa lên “an toàn khu” ở Việt Bắc, tham gia kháng chiến.
Lần đầu tiên được ngủ cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Khắc Hòe rất xúc động. Trong cảnh trăng thanh gió mắt, núi rừng tĩnh mịch, Bác Hồ bảo: “Nếu cao hứng thì chú làm một bài thơ tức cảnh; nếu không thì đọc một bài thơ cũ nào đó cũng được”.
Ông Hòe đã đọc cho Bác nghe bài “Câu cá gỗ”, do ông sáng tác hồi bị Pháp bắt giam mấy tháng trước đó:
*“Hỏa lò Tây đến rước ông ra, *
Hỏi dẫn đi đâu chẳng biết mà!
Cất cánh “Gia Lâm” trời đất cũ,
Đặt chân “Sơn Nhất” nước non nhà,
Vào tù muốn đổi ra vai tướng,
Chước quỷ không thành lại chước ma
Ba tháng, công toi câu cá gỗ
Hồ Gươm, Tây lại thả “ông” ra”.
Bác Hồ khen hay, và nên chữa một chữ. Ông Hòe phân vân không biết Bác sẽ chữa chữ nào, và xin Bác cứ dạy bảo để học tập.
Bác Hồ nói: “Không có gì quan trọng đâu, Bác thấy nên sửa chữ thứ sáu, trong câu thơ cuối cùng của chú, thay chữ “ông” bằng chữ “tau” mới đúng “giọng cá gỗ” chúng ta mà chú”.
Được Bác Hồ sửa thơ, ông Hòe sực nhớ một điều: Bác Hồ quê ở Nghệ An, ông là dân Hà Tĩnh, hai vùng quê gần kề, giọng nói, thổ ngữ giống nhau. Bà con ngoài Bắc nói là “tao”, còn trong Nghệ Tĩnh lại nói là “tau”, Ông rất phục Bác, xa quê ba, bốn thập niên mà Người vẫn lưu giữ được tiếng nói của cha ông, quê hương xứ sở.
Đây là bài học quý cho các nhà văn, nhà báo chúng ta hôm nay; dù đi đâu, ở đâu, phải nhớ tiếng mẹ đẻ của các vùng quê; đây vừa là đạo đức vừa là văn minh, truyền thống ông cha đã dạy.
Tân Chinh