Người đột quỵ cần phục hồi chức năng sớm
(Báo tháng 6) - Những ngày nắng nóng, bệnh tai biến mạch máu não thường xảy ra và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh như giảm vận động, rối loạn cảm giác, cảm xúc... Trong đó, liệt nửa người thường gặp nhất.
Mặc dù tai biến mạch máu não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay, tỷ lệ này là khoảng 25% xảy ra ở những người trẻ tuổi. Tai biến mạch máu não ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng béo phì, người có tiền sử bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch…
Theo bác sĩ Lương Công Toàn - Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, tai biến mạch máu não (đột quỵ não) là do tắc mạch máu trong não. Khi máu bị tắc không lưu thông sẽ làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp máu lên não, khiến cho các tế bào thần kinh bị tổn thương và kéo theo các cơ quan này bị tê liệt trong một thời gian dài. Từ đó, gây ra di chứng bại liệt, méo miệng, mất giọng…
Bệnh nhân đột quỵ được phục hồi chức năng sớm thì khả năng phục hồi các biến chứng tốt hơn. Sau 6 tháng kể từ khi khởi phát, bệnh sẽ để lại di chứng. Vì thế, nếu không có thời gian điều trị, chăm sóc kịp thời và đúng phương pháp thì việc phục hồi sẽ rất khó khăn và càng khó khăn hơn nếu bệnh đã để lại di chứng.
Cũng theo bác sĩ Lương Công Toàn, để điều trị hiệu quả và phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não cần phải có thời gian và áp dụng nhiều phương pháp điều trị thích hợp. Trong đó, ngoài việc cho bệnh nhân dùng thuốc, cần phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác như: điều trị vận động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu,vật lý trị liệu, tập dưỡng sinh... mới đạt được hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị quan trọng nhất vẫn là ý chí, tinh thần, sự quyết tâm của bệnh nhân. Cũng như, sự góp sức của gia đình trong việc chăm sóc, hỗ trợ, giúp bệnh nhân vượt qua được và đạt hiệu quả.
Thời gian tập luyện phụ thuộc vào tiến triển của bệnh nhân, có người vài tuần, có người lại cần vài tháng… tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân. Nhưng nếu không được tập luyện thường xuyên thì người bệnh có thể sẽ bị cứng khớp, hồi phục vận động chậm, khả năng sinh hoạt bình thường sẽ gặp khó khăn. Người nhà nên giúp bệnh nhân vận động độc lập không cần trợ giúp, trước hết cần phải tập cho bệnh nhân giữ thăng bằng trong tư thế đứng. Để phục hồi chức năng cầm nắm, cần áp dụng bài tập bàn tay và cánh tay. Để cúi gập người đơn giản, nên áp dụng bài tập đầu gối vì ngoài việc phục hồi, đi lại độc lập, các bài tập này giúp bệnh nhân chủ động trong việc tự thay quần áo và làm vệ sinh.
Bác sĩ Lương Công Toàn nhấn mạnh: Để bệnh nhân tai biến mạch máu não phục hồi nhanh, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, người nhà cần chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng, không để người bệnh dùng thức ăn lên men, chế biến sẵn hay gây kích thích như gia vị cay nóng, trà, cà phê. Thức ăn của bệnh nhân cần giảm muối, chế biến lỏng, mềm và dễ tiêu hóa. Chế độ ăn uống phải theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc, kết hợp với điều trị, tập luyện đúng cách thì kết quả điều trị mới đạt hiệu quả.
Thành An