Người dân không nên quá hoang mang với bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn

Các trẻ được đưa đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xét nghiệm sán chiều 16-3.

Tính đến hết ngày 16-3, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhi từ Bắc Ninh đến xét nghiệm sán lợn.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tính hết ngày 16-3, bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi được đưa đến từ Bắc Ninh. Bác sĩ Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, gần 500 bệnh nhi được bố mẹ đưa đến trong một buổi sáng là số lượng khá lớn, song bệnh viện đã huy động cán bộ đến tăng cường, điều phối giải quyết rất nhanh cho các cháu nên không để phòng khám bị quá tải và cha mẹ cũng như các bé phải chờ đợi lâu.

Cũng trong ngày 16-3, tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương có 400 trẻ đi xét nghiệm. Như vậy từ ngày 15-3 đến hết sáng 16-3, có tới 550 trẻ đi xét nghiệm ở viện này.

Như vậy trong ngày 15-3 và sáng 16-3 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã có tới hơn 1.300 trẻ được bố mẹ đưa đến khám và xét nghiệm. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử ngành Truyền nhiễm Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng – Trung ương, cho biết, tất cả các bệnh nhi khi có kết quả chính xác dương tính với sán lợn, các bác sĩ sẽ khám, kê đơn, cho phác đồ điều trị cụ thể cho từng trẻ. Viện cũng sẽ xin ý kiến chỉ đạo để  phối hợp các địa phương về điều tra dịch tễ tại địa phương.

Theo kế hoạch hôm nay (17-3), Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương sẽ cử chuyên gia trực tiếp về xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh để điều tra dịch tễ, xác định chính xác nguyên nhân nhiễm sán.

GS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng. Bởi nhiễm sán lợn không phải cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết. Vì thế, nếu nghi ngại con nhiễm sán, sắp xếp được thời gian hợp lý gia đình cho trẻ đi khám.

“Việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế. Nếu để điều trị sán thông thường, thuốc chỉ điều trị một ngày là hết sán. Tuy nhiên, để diệt được trứng có những thuốc điều trị 2 tuần là hết sạch, hoàn toàn chữa khỏi, không để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, do nhiễm sán thường không có dấu hiệu điển hình, không sốt, để nhiễm sán dài ngày hậu quả suy giảm thể lực, rối loạn tiêu hóa, lâu năm trở nên gầy mòn. Vì thế, nếu nghi ngờ con nhiễm sán có thể sắp xếp thời gian để đi kiểm tra và điều trị”, GS, TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và   ấu trùng sán lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:  

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế   biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ   nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh   ấu trùng sán lợn).  

- Quản lý phân tươi, nhất là   ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ   sinh. Không nuôi lợn thả rông.  

- Người có sán trưởng thành trong   ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
 - Thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển   buôn bán lợn (heo) theo quy định.  

Hiện nay, ngành y tế vẫn đang theo   dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu   lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về   vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành   chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn   vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm   bệnh.  

THÁI SƠN