Người cựu tù tham gia giải phóng Côn Đảo (30/04/2009)
Nhân kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, Đoàn CCB Dân chính đảng tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Trần Khánh Thành, Chủ tịch Hội CCB các cơ quan Dân chính đảng tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu cùng 19 CCB đại diện cho hơn 600 hội viên đã đi thăm Côn Đảo. Tham gia đoàn, phóng viên Lê Anh Thi (Báo CCB Việt Nam) đã ghi lại một câu chuyện cảm động về một cựu tù Côn Đảo.
Ông Phạm Văn Tùng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, CCB thuộc phường 1, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), một chiến sĩ tình báo, một cựu tù Côn Đảo. Tôi bất ngờ được gặp ông trên chuyến tàu ra thăm Côn Đảo vào tháng 4-2009. Ông có dáng người thấp, đậm, nước da ngăm đen. Ông chọn cho mình chỗ ngồi phía trước mũi tàu. Nhiều người ái ngại, thấy ông tuổi già, sức yếu, sợ ông té. Nhưng ông cười nói: Tôi muốn ngồi ở đây, muốn ngắm nhìn biển cả. Cách đây 37 năm (1972), ông bị địch bắt đày ra côn Đảo cùng với khoảng 100 chiến sĩ giải phóng. Tất cả đều bị còng tay, còng chân, nhét xuống gầm tàu, lúc đó muốn hít một chút khí trời cũng không thể có. Bây giờ ông trở về Côn Đảo, đi giữa bốn bề mây trời biển cả của ta, của tự do, của hòa bình...
Ông sinh ra ở TP Đà Lạt, tham gia cách mạng năm 1949. Năm 1950 được vào học lớp vô tuyến điện đầu tiên tại chiến khu Đ (đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Sau khi ra trường do kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc nên ông được giữ lại làm nhiệm vụ tại đặc khu Sài Gòn, khi đó bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Chủ tịch UB kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông được công tác và phục vụ bên cạnh các anh: Lưu Quý Kỳ, Huỳnh Văn Tiểng ở Sở Thông tin Nam Bộ. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Thời gian công tác ở Bộ Tổng tham mưu, ông là một chiến sĩ báo vụ giỏi, được tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện và đào tạo trở thành điệp báo. Năm 1964, ông nhận nhiệm vụ trở lại Sài Gòn, hoạt động đơn tuyến giữa sào huyệt của Mỹ - ngụy. Trước khi vào Sài Gòn, ông được một người bạn thân ở miền Bắc cho địa chỉ của người em để liên hệ qua lại trong sinh hoạt. Đến năm 1965, người bạn thân cũng vào Nam và oái oăm thay anh ta lại trở thành một tên chiêu hồi tệ hại. Để bảo đảm an toàn, ông chủ động xin tổ chức chuyển công tác ra TP Đà Nẵng. Tại đây, ông đã hoạt động liên tục nhiều năm, thay đổi thẻ căn cước, bằng lái xe đến 6 - 7 lần và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1971, ông bị địch bắt và đưa về Sài Gòn. Mặc dù bị địch đánh đập tra tấn rất dã man nhưng ông quyết một lòng trung thành với Đảng, với tổ chức. Cuối năm 1972, bọn địch đày ông ra Côn Đảo. Kẻ thù giam người chiến sĩ tình báo vào chuồng cọp Mỹ (trại 7), chuồng cọp bao gồm 384 phòng biệt giam, chia làm 8 khu từ A đến H. Mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng, mỗi phòng có kích thước 1,6m dài và 2,2m ngang. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới bệ xi măng ẩm thấp. Sau 3 năm ông bị giam cầm tại khu GH, 12 giờ đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1975, nhà tù Côn Đảo được giải phóng.
Ông bồi hồi nhớ lại giây phút lịch sử đó: 11 giờ 30 phút, khi Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng mà anh em tù nhân chúng tôi vẫn chưa hay biết. Chỉ có nghe tin trước đó tên Lâm Hữu Phương, chúa đảo khét tiếng cùng với một số tay chân ác ôn đã bỏ chạy ra Hạm đội 7 ngoài biển khơi. Sáng ngày 30-4, đại uý ngụy Phạm Thành Trung, “phó đảo” triệu tập cuộc họp cùng đám cai ngục ác ôn, chúng quyết định khóa chặt tất cả các phòng giam, bố trí canh gác nghiêm ngặt trong lao và ngoài lao, triển khai thực hiện âm mưu thủ tiêu tất cả tù chính trị vào giờ chót. Nhưng kế hoạch của chúng chưa kịp thực hiện thì cơn bão cách mạng đã ập đến.
Nửa đêm 30-4, đại uý Kiều Văn Dậu, tỉnh đoàn phó bảo an đã quay súng về với cách mạng, cùng với trưởng ty thanh niên Nguyễn Văn Đông và anh Nguyễn Văn Sơn tức tốc vào trại 7 mở cửa phòng giam 24 khu H báo tin cho anh em tù nhân: “Dương Văn Minh đã đầu hàng, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”. Mọi người không tin, sợ bị địch lừa, đề nghị ông Dậu cho mượn ra-đi-ô dò làn sóng của Đài TNVN mở cho nghe, mọi người ôm nhau khóc vì sung sướng. Ngay sau khi ra khỏi phòng giam, ông Tùng chỉ huy một tiểu đội đi cùng ông lên thẳng Sở cảnh sát để lấy vũ khí. Sau đó ông đề nghị ông Dậu đi lên hầm đá (nơi nhốt anh em tử tù), trong đó có các đồng chí Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư và 16 người khác.
Sau ngày giải phóng ông trở về Đà Lạt, công tác trong ngành thanh tra Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng các huân chương Kháng chiến, Chiến công hạng nhất; huân chương Giải phóng các hạng nhất, nhì, ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lê Anh Thi