Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Ông Xuân chăm sóc cầy hương
Là trụ cột gia đình, cựu chiến binh (CCB) Mai Thanh Xuân, sinh năm 1960, trú tại thôn Minh Tiến, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn ngày đêm suy nghĩ cách phát triển kinh tế. Dám nghĩ, dám làm, sau nhiều năm, ông Xuân đã phát triển mô hình kinh tế nuôi cầy hương, trồng rừng, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Năm 1982, sau khi rời quân ngũ, ông Xuân trở về quê hương và bắt đầu làm mộc dân dụng để trang trải cuộc sống. Thời điểm đó, các sản phẩm mộc của ông như: giường, bàn ghế, tủ, sập… được người dân trong và ngoài xã đặt hàng nhiều. Làm mộc đến năm cuối năm 2018, ông Xuân chuyển hướng sang phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi cầy hương. Ông Xuân cho biết: Ban đầu, tôi mua 10 con cầy hương về nuôi. Nhận thấy nuôi loài vật này dễ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, thức ăn chủ yếu là hoa quả. Hơn nữa, trên địa bàn cũng chưa có nhiều người đầu tư chăn nuôi cầy hương nên tính cạnh tranh ít, bán cầy hương được giá nên tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Đầu năm 2021, tôi đã mua thêm gần 100 con vừa để nuôi cầy hương thương phẩm và gây giống.
Chỉ sau 5 tháng chăn nuôi, đàn cầy hương đã bắt đầu đẻ lứa đầu tiên. Một con cầy hương từ khi lọt lòng chỉ cần nuôi khoảng 4 tháng đã có trọng lượng từ 2 kg đến 4 kg và có thể xuất chuồng. Năm 2021, ông Xuân đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên với giá 2 triệu đồng/kg, ông Xuân thu về trên 500 triệu đồng. Hiện, mô hình nuôi cầy hương của ông luôn duy trì gần 200 con vừa nuôi làm giống vừa bán thương phẩm. Gia đình ông thường cung cấp cầy hương cho khách hàng nội tỉnh và các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Theo ông Xuân, để có kinh nghiệm chăn nuôi giống cầy này, ông phải cất công đến một số hộ nuôi tại các tỉnh miền trong (Tây Ninh, Vĩnh Long) học tập cách chăn nuôi, cùng đó là học tập từ mạng internet. Vừa học hỏi vừa đúc kết kinh nghiệm, cách chăn nuôi sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trước khi nuôi cầy hương, từ năm 2013, ông Xuân cũng đầu tư trồng thêm gần 20 ha các loại cây lấy gỗ: bạch đàn, keo, mỡ… Từ năm 2020 đến nay, mô hình trồng cây lấy gỗ của ông Xuân bắt đầu được thu hoạch, mỗi năm đem về trên 400 triệu đồng. Vào năm 2019, ông cùng các thành viên trong gia đình trồng thêm 5 ha mít Thái, 3 ha bưởi Ruby… các loại cây đang phát triển tốt, sắp cho thu hoạch.
Với mô hình kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt như trên, từ năm 2020 đến hết năm 2021, gia đình ông Xuân mang lại thu nhập trung bình trên 1 tỷ đồng/năm. Mô hình của gia đình ông còn tạo việc làm cho từ 8 đến 10 lao động địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, để nhân rộng mô hình kinh tế tổng hợp này, ông Xuân đã hỗ trợ con giống và hướng dẫn bà con trên địa bàn có nhu cầu chăn nuôi kỹ thuật nuôi cầy hương, trồng rừng, trồng cây ăn quả.
Ông Dương Đình Ngọc, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đánh giá: Không chỉ là một hội viên năng động phát triển kinh tế, ông Xuân còn là một Chi hội trưởng Hội CCB nhiệt tình với công tác hội, luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực vận động hội viên tham gia các phong trào của hội, các hoạt động của địa phương. Ông Xuân là tấm gương sáng để nhiều hội viên và bà con Nhân dân học tập, noi theo.
Năng động, tích cực phát triển kinh tế cũng như làm tốt vai trò của một Chi hội trưởng Hội CCB, ông Xuân đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền. Tháng 9/2021, ông Xuân được nhận bằng khen của Chủ tịch Hội CCB tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016 – 2021″.
Theo http://tuyengiaolangson.vn