Người chiến sĩ tử tù với bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt”

Chiến sĩ tử tù Lê Văn Thức với bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt”

Trong không khí sục sôi của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre tìm gặp chiến sĩ tử tù Lê Văn Thức - nhân vật trong bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của phóng viên Lâm Hồng Long - Thông tấn xã Việt Nam. Bức ảnh đã ghi lại một sự kiện, một giai đoạn lịch sử của đất nước bằng con người thật, sự việc thật, trở thành biểu tượng cho sự đoàn tụ toàn dân tộc sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ông Lê Văn Thức (Năm Thức) sinh năm 1945, ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1965, thi rớt tú tài 2 đúng thời điểm chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ban hành lệnh tổng động viên quân dịch, ông tìm cách xin vào căn cứ cách mạng. Ông Năm Văn - Ban An ninh huyện Châu Thành là người nhận, trực tiếp huấn luyện nghiệp vụ điệp báo và tổ chức kết nạp Đảng cho Lê Văn Thức ngày 10-3-1965.

Hoàn thành khóa huấn luyện, ông Năm Thức nhận nhiệm vụ tối mật đầu tiên, đó là tình nguyện đăng ký học Trường sĩ quan bộ binh Thủ Đức của VNCH để chui sâu vào hàng ngũ địch, với mật danh “TT” (Thanh Tâm). Kết thúc 9 tháng đào tạo ở trường, ông Thức mang quân hàm chuẩn úy, được địch điều về chỉ huy Trung đội 11 thuộc Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 7 (đóng quân ở Long Định, tỉnh Mỹ Tho). Sau đó ông được điều về huấn luyện chiến thuật tại Trung tâm huấn luyện Hùng Vương trong cụm căn cứ quân sự Bình Đức của Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho.

Vào một buổi trưa ở thao trường, ông gặp người bán cà rem chìa cho ông một cây cà rem và nói: “Mời thầy ăn tê tê lưỡi, đã lắm” - đó là ông Thanh Tùng, cán bộ mật giao của Ban Binh vận Khu 8 đến móc nối và truyền mệnh lệnh của cấp trên: “Bằng mọi giá phải vẽ chính xác sơ đồ cụm căn cứ quân sự Bình Đức”. Sau hơn 1 tháng, ông Thức hoàn tất bản mật đồ thể hiện toàn bộ chi tiết căn cứ quân sự Bình Đức. Ông giao bản mật đồ cho người cán bộ mật trong vai người bán cà rem.

Nhưng không may, bức mật đồ lọt vào tay địch, ông Năm Thức bị bắt. Địch dùng mọi nhục hình khai thác nhưng ông kiên quyết không khai nhận. Tại phiên tòa lưu động của Vùng 4 chiến thuật diễn ra bí mật tại tiểu khu Mỹ Tho, địch tuyên án ông tội danh “phản nghịch” với bản án tử hình và di lý về khám Chí Hòa. Tháng 11-1968, địch đưa ông cùng với một số tù chính trị khác ra Côn Đảo. Chúng gắn cho ông số tù 268, mang thẻ bài 2 màu xanh đỏ và biệt giam ông tại Trại 2, chung với 36 tù nhân mang án tử. Ông tham gia sinh hoạt Đảng cùng các đồng chí trong tù.

Vẫn với giọng điềm đạm, nụ cười hiền, ông Năm Thức kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tháng 5-1975: “Sáng 1-5, địch dồn tù chính trị lại, trước mỗi phòng giam chúng để mấy thùng lựu đạn. Đến khoảng 10 giờ ngày 2-5, có nhiều tiếng la lớn, nhưng nghe kỹ mới biết là tiếng reo hò vui mừng tin Sài Gòn được giải phóng. Anh em tù binh ở các buồng giam khác phá khám ra được và đã đập khóa mở cửa xà lim cho 36 tử tù Trại 2. Do hệ thống đài thông tin liên lạc với đất liền bị chúng phá hủy nên đến ngày 4-5, anh em mới được tàu từ đất liền ra đảo đón về. Số anh em bị tàn tật và tử tù được bố trí đi trên các chuyến tàu đầu tiên trở về đất liền”.

18 giờ ngày 4-5, tàu chở những tù nhân rời Côn Đảo. Đến 6 giờ sáng ngày 5-5, tàu cập bến Rạch Dừa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Khoảng 10 giờ sáng, có người gọi ông Năm Thức ra nơi tiếp tân để gặp gia đình.

Nhớ lại giây phút được gặp lại mẹ, ông Năm Thức vô cùng xúc động: Vừa gặp tôi, mẹ ôm lấy và khóc, nghẹn ngào thốt lên “Má tưởng là con đã chết rồi!...”. Rồi, tôi và mẹ ôm nhau khóc nức nở, không để ý đến mọi điều xung quanh”.

Phóng viên Lâm Hồng Long đã nắm bắt đúng sự kiện và chớp đúng lúc để ghi lại được hình ảnh quý hiếm đó. Một khoảnh khắc đáng quý ấy trở thành bất tử với bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt”. Khoảnh khắc đó đã giữ lại một dấu mốc lịch sử quan trọng sống mãi theo năm tháng, trở thành biểu trưng cho khát vọng hòa bình, thống nhất non sông đất nước.

Sau ngày miền Nam giải phóng, người chiến sĩ tình báo, người cựu tù chính trị Côn Đảo - Lê Văn Thức tiếp tục cống hiến và đóng góp nhiều công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Và những tháng năm hoạt động trong lòng địch, những lúc sống, chiến đấu trong ngục tù Côn Đảo và đặc biệt là giây phút xúc động, hạnh phúc trong “Mẹ con ngày gặp mặt” vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông.

thanh phận