Người chiến sĩ Thành cổ hôm nay

Trên khu đất bán sơn địa rộng 1.080m2, ông đào một ao thả cá trên 400m2. Ngoài khu nhà ở (gồm 5 gian nhà lớn, 3 gian bếp), ông xây một khu chuồng nuôi trên 40 con lợn thịt siêu nạc trọng lượng trên dưới 100kg/con. Ông cho biết hằng năm xuất chuồng từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa gần 2 tấn, cho lãi gần 100 triệu đồng. Kề bên là khu nuôi gia cầm được ngăn làm 3 khu nhỏ, một khu nuôi gần 100 vịt đẻ; một khu nuôi trên 100 vịt thịt; một khu nuôi hơn 100 con gà lôi - Gà lôi bán trên thị trường với giá 160.000 đồng/kg, mỗi con trên dưới 2 kg. Dịp trước tết, riêng tiền bán gia cầm ông đã thu trên 100 triệu đồng. Để phục vụ cho chăn nuôi, ông có một máy xay sát do bà vợ ông phụ trách, vừa phục vụ nhân dân, vừa sát cám từ ngô và lúa của nhà lấy thức ăn chăn nuôi. Toàn bộ phân lợn, gà, vịt được dẫn vào hầm biôga. Với bếp biôga, đã cấp điện đủ cho sinh hoạt gia đình như thắp sáng, nấu ăn, chạy 2 tivi, đầu đĩa không mất tiền điện lưới.
Đó là nói về kinh tế gia đình. Còn làm trưởng khu hành chính ở khu dân cư đến nay được 3 khóa (6 năm liên tục), ông hoạt động ra sao? Xưa, tại đây có hàng chục lò gạch thủ công thi nhau nhả khói, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho hoa màu và sức khoẻ nhân dân, đến thời kỳ ông Hùng làm trưởng khu cũng là thời gian UBND huyện Lâm Thao có nghị quyết xóa bỏ lò gạch thủ công, chuyển sang xây lò đứng liên hoàn, vừa chống ô nhiễm vừa cho năng suất cao. Song việc vận động người dân làm việc này đâu có dễ, ông Hùng cùng tập thể lãnh đạo rất kiên trì tuyên truyền, vận động. Có hộ phải cưỡng chế theo pháp luật. Hiện tại các lò thủ công được gần chục lò đứng đã xây dựng, thu hút hàng trăm lao động cho thu nhập ổn định. Nhà ông Hùng có hai con xuất khẩu lao động, có nhà 3 đến 4 người đi. Số này gửi tiền về xây dựng kinh tế gia đình và xây dựng quê hương, đã có gần 20 ngôi nhà cao tầng mọc lên (có nhà 3, 4 tầng) còn tươi màu sơn mới; gần 100% đường làng đổ bê tông theo phương châm (nhà nước và nhân dân cùng làm); làng lại có một “chợ cóc” mọc lên suốt ngày kẻ mua, người bán tấp nập, hệ thống đèn đường sáng trưng. Được biết để có hệ thống đèn này, mỗi hộ dân chỉ phải góp 20.000 đồng mua dây điện, còn bóng và chao đèn do ông Hùng và ông Mộc (bí thư chi bộ cũng là CCB) ủng hộ. Song ông Hùng vẫn còn trăn trở là khu của ông chưa có nhà văn hóa. Thế là ngoài phần dân đóng góp (100.000 đồng/khẩu) ông Hùng và ông Mộc thay nhau lai cụ Đỗ Văn Tiết (87 tuổi) cũng là CCB, đi đến các địa chỉ của các gia đình sống xa quê, vận động các chủ lò gạch ủng hộ, rồi các cơ quan, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ. Và bây giờ, một nhà văn hóa khang trang đã hoàn thành, các cụ và nhân dân ai cũng hồ hởi ngợi khen các cán bộ, nhất là ông trưởng khu thực sự là “công bộc” của dân như lời Bác Hồ dạy.
ĐỖ VĂN NGỌC